Sạt lở vùi lấp hơn 50 người ở Quảng Nam: Tìm được 11 thi thể

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/10/2020 | 7:40:07 AM

Đã có 11 thi thể trong 2 vụ sạt lở đất được tìm thấy, hiện tại việc tiếp cận hiện trường của lực lượng cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn do đường sá bị chia cắt.

Vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra tại xã Trà Leng khiến hàng chục người mất tích
Vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra tại xã Trà Leng khiến hàng chục người mất tích

Đêm 28-10, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh; lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành liên quan đã họp khẩn về vụ sạt lở nghiêm trọng vào khoảng 13 giờ 30 ngày 28-10 tại thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) vùi lấp nhiều người.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp, đã có thông tin ban đầu về vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Leng. Tuy nhiên, từ trung tâm xã Trà Leng đến hiện trường có ít nhất 3 điểm sạt lở nên chưa thể tiếp cận.

Cũng theo thông tin ban đầu, 45 người ở thôn 1, xã Trà Leng, trong đó 8 người ở thôn 1 xã Trà Vân (Nam Trà My) mất tích. Thông tin mới nhất đêm 28-10 cho biết đã tìm thấy thi thể của 7 nạn nhân.

Tại cuộc họp đêm 28-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao nhiệm vụ cho từng cá nhân tham gia chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Quảng Nam. Phó Thủ tướng đồng ý thành lập Sở chỉ huy tiền phương do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ huy và một lãnh đạo Quân khu 5 là cấp phó để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.
 
Sạt lở kinh hoàng tại Quảng Nam: Tìm thấy 7 thi thể, 46 người còn mất tích - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở tại cuộc họp khẩn đêm 28-10

Sạt lở kinh hoàng tại Quảng Nam: Tìm thấy 7 thi thể, 46 người còn mất tích - Ảnh 3.

Thông tin về vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng trên địa bàn huyện Nam Trà My, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết sự cố này xảy ra tại hai thôn là thôn 1 xã Trà Leng và thôn 1 xã Trà Vân. Ông cho biết tại thôn 1 xã Trà Leng sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người may mắn thoát nạn. Còn tại thôn 1 xã Trà Vân có 8 người bị vùi lấp.

Theo Phó Thủ tướng, những sự cố dù lường trước được, riêng sạt lở đất do mưa lũ kéo dài ở vùng núi vẫn rất khó đoán định. "Bão vào chủ động ứng phó được nhưng sạt lở đất rất khó khăn, không chỉ Quảng Nam mà các địa phương khác cũng vậy" - Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu tập trung cứu hộ cứu nạn, cứu những người còn sống sót trong vụ sạt lở đất.

Đánh giá cao lãnh đạo tỉnh, các lực lượng, Bộ Quốc phòng và Quân khu 5, rất chủ động tập trung xây dựng phương án khẩn cấp tìm kiếm, song Phó thủ tướng lưu ý việc tìm kiếm sẽ rất khó khăn do địa bàn xảy ra sự cố rất phức tạp, đi lại khó khăn. Hơn nữa do mưa lũ kéo dài, cộng với cơn bão số 9 đã tác động rất mạnh, làm sạt lở đất tại nhiều khu vực. "Đường đi vào để tìm kiếm cứu nạn rất khó khăn, phải tập trung lực lượng, thiết bị, chỉ huy hậu cần với phương châm "4 tại chỗ" để thực hiện nhiệm vụ này" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cho biết bão số 9 đã qua, hoàn lưu bão gây ra mưa lũ, nước dâng cao ở nhiều sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và các tỉnh bắc trung bộ. Nhưng riêng Quảng Nam cần tập trung ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của tỉnh, của các lực lượng trên địa bàn. Ông yêu cầu tiếp tục rà soát các ví trí nguy hiểm để sơ tán dân. "Khó nhưng cũng phải làm", Phó thủ tướng quán triệt.

Ngay sau cuộc họp khẩn với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về sạt lở nghiêm trọng tại huyện Nam Trà My, đêm 28-10, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp bàn phương án tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích. Theo đó, thống nhất thành lập 3 sở chỉ huy gồm: sở chỉ huy chính đặt tại Bắc Trà My và 2 sở chỉ huy trực tiếp tại hiện trường ở xã Trà Leng và xã Trà Vân.

Vào 3 giờ sáng nay 29-10, Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) chuẩn bị quân số, 1 máy đào, 1 máy xúc lật, máy phát điện nhỏ, cưa máy, cuốc, xẻng… cơ động lên hiện trường. Đồng thời, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My trinh sát đường vào hiện trường sạt lở; lực lượng công binh tiến hành mở đường khẩn cấp. Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) cũng sẵn sàng trạng thái chiến đấu, cơ động khi cần thiết.

Lực lượng trinh sát cũng xác định địa hình, địa chất để sở chỉ huy đưa ra các phương án tìm kiếm hiệu quả, an toàn nhất. Công tác y tế được chuẩn bị chu đáo, có thể trưng dụng Trung tâm Y tế Nam Trà My để phục vụ khi cần thiết.

Sáng 29-10, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết ông đang cùng với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lên huyện Bắc Trà My (cách trung tâm huyện Nam Trà My khoảng 50 km) – nơi sẽ lập một sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo công tác cứu hộ,  tới sáng 29-10, đã có tất cả 11 thi thể được tìm thấy. 

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện đường từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My nhiều nơi bị sạt lở không thể lưu thông nên công tác cứu nạn đang gặp nhiều khó khăn. Ông Bửu cho biết những ngày qua mưa rất lớn, núi đồi đều đã "mất chân" nên rất nguy hiểm, có thể tiếp tục xảy ra các vụ sạt lở đất.

Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tối 28-10 đã có Công điện khẩn gửi Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh Quân khu 5; UBND tỉnh Quảng Nam về việc cứu hộ các nạn nhân bị vùi lấp tại xã Trà Len, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Trong công điện, Thủ tướng nêu rõ ngày 28-10, tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều người dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(Theo NLĐO)