Chuyển biến ở Tà Xi Láng

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/10/2020 | 7:58:30 AM

YênBái - Hiện, xã thành lập được 7 tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; trong đó, giới thiệu về một số sản phẩm nông - lâm nghiệp với du khách, tư thương như: quả sơn tra, gạo nếp cẩm, ngô hàng hóa, lợn bản địa, gà đen…

Đường về Tà Xi Láng đã được bê tông hóa
Đường về Tà Xi Láng đã được bê tông hóa

Xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu có 352 hộ với 1.977 nhân khẩu cư trú tại 5 thôn và 99,4% dân số là người Mông, đời sống chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Với đặc thù này, những năm qua, địa phương được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư bằng nhiều chương trình như: Chương trình 135, Chương trình 134, Chương trình 30a… 

Đảng ủy, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu giảm nghèo cho từng năm. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện tốt giải ngân vốn vay thông qua các đoàn thể, hội đứng ra tín chấp và 6 tổ tiết kiệm vay vốn, tạo thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận vốn vay ưu đãi đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm... 

Đồng thời, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện tổ chức mở lớp tập huấn, hướng dẫn bà con phát triển chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; khuyến khích bà con học các nghề phổ thông để nâng cao kiến thức phát triển kinh tế... 

Thực hiện mục tiêu đưa kinh tế phát triển nhanh, xóa đói, giảm nghèo bền vững, xã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, xã thực hiện kiên cố hóa được gần 8 km đường giao thông nông thôn; trong đó, bà con tự nguyện hiến 1.500 m2 đất, góp trên 260 triệu đồng để mở các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn: Tà Đằng, Tà Cao, Xá Nhù…; sửa chữa 2 tuyến đường du lịch đi vào thác suối Háng Đề Chơ và thác suối Háng Tầu Dê; kiên cố hóa 4 công trình thủy lợi; 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; hệ thống điện lưới quốc gia đã được kéo đến 4/5 thôn, đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 63%. 

Nhờ đó, bà con được xem ti vi, nghe radio, dùng điện thoại, Internet… tạo thuận lợi cho trao đổi thông tin, giao thương. Công trình giáo dục ở mỗi cấp học được đầu tư xây dựng khang trang, đảm bảo đáp ứng nhu cầu dạy và học. 

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, Đảng ủy, chính quyền xã phân công cán bộ phụ trách thôn giám sát, giúp đỡ khi hộ nghèo được hỗ trợ vốn, cây, con giống về các biện pháp thâm canh, tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế địa phương. Từ đó, 60 ha đất sản xuất lúa nương, sắn kém hiệu quả được chuyển sang trồng ngô năng suất cao và 78,7% diện tích trồng lúa nước được đưa vào sản xuất 2 vụ/năm. 

Cùng đó, xã còn tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực khai hoang được gần 11 ha ruộng, nâng diện tích sản xuất lương thực lên 734 ha, tăng 22 ha so với năm 2015; sản lượng lương thực có hạt đạt 2.360 tấn, tăng 338,6 tấn so với năm 2015; lương thực bình quân đầu người đạt 1.196 kg/người/năm, tăng 82,6 kg/người/năm so với năm 2015. 

Cùng với phát triển trồng trọt, xã còn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ rơm rạ làm thức ăn gia súc, tiêm phòng dịch định kỳ cho gia súc, gia cầm. Nhờ đó, đàn gia súc phát triển ổn định và hiện tổng đàn gia súc chính đạt 2.865 con; trong đó, trâu 823 con, bò 312 con, lợn 1.730 con, tăng 557 con so với năm 2015; đàn gia cầm 10.400 con; trong đó, có 3.620 con gà đen thương phẩm. 

Ông Sùng Xìa Già, thôn Sá Nhù cho hay: "Nhờ đổi mới phương thức sản xuất, mỗi năm gieo trồng 2 vụ lúa và chuyển toàn bộ đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô, mỗi năm tôi thu trên 3 tấn thóc, 3 tấn ngô nên không còn bị đói giáp hạt. Tôi còn thu gom, bảo quản để chăn nuôi 5 con trâu và nuôi 10 con lợn, trên 50 con gà. Năm nay, gia đình tôi đã ra khỏi diện hộ nghèo”. 

Trong 5 năm qua, Tà Xi Láng còn thực hiện tốt việc phát triển, quản lý, bảo vệ rừng. Hiện, xã có gần 6.000 ha rừng; trong đó, gần 500 ha sơn tra, tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,6%, tăng 8,45% so với năm 2015. 

Ông Thào A Tông - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: là địa phương có tiềm năng du lịch, Đảng ủy, chính quyền xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì, phát triển các nghề thổ công truyền thống như: rèn, thêu, dệt thổ cẩm, đan lát... Hiện, xã thành lập được 7 tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; trong đó, giới thiệu về một số sản phẩm nông - lâm nghiệp với du khách, tư thương như: quả sơn tra, gạo nếp cẩm, ngô hàng hóa, lợn bản địa, gà đen… 

Mỗi năm, xã thu hút gần 1.000 lượt khách đến tham quan; nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống, nông sản và dịch vụ du lịch đạt giá trị trên 800 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể trong những năm gần đây và là tiền đề để xã thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững trong những năm tới.

 Sùng A Hồng