Yên Bái: Để chăn nuôi lợn phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/10/2020 | 2:16:54 PM

YênBái - Nuôi lợn đóng góp trên 60% tỷ trọng toàn ngành chăn nuôi của Yên Bái.

Đầu tư hệ thống chuồng trại, con giống khép kín góp phần phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.
Đầu tư hệ thống chuồng trại, con giống khép kín góp phần phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.

Những năm qua, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh luôn đóng góp lớn vào tỷ trọng ngành chăn nuôi nói chung. 
Theo số liệu báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỷ trọng chăn nuôi tăng dần qua từng năm. Trong đó, nuôi lợn đóng góp trên 60% tỷ trọng toàn ngành chăn nuôi. Giá trị sản xuất chăn nuôi lợn 10 tháng năm 2020 đạt 891 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành chăn nuôi lợn của tỉnh đang chịu tác động lớn bởi sự lên xuống giá cả của thị trường và tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập của các loại dịch bệnh. 

Qua đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi từ tháng 5/2019 đến nay, toàn tỉnh có gần 28.100 con lợn bị tiêu hủy, trọng lượng trên 1.265 tấn. Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tái phát trở lại và có những diễn biến phức tạp, khó lường. 

Cùng với đó, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn do giá con giống lên cao, nguồn cung cấp giống từ các cơ sở chăn nuôi uy tín, bảo đảm an toàn  hạn chế. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) trên địa bàn toàn tỉnh là 386.283 con, giảm 8,01% với cùng kỳ. 

Để phục hồi ngành chăn nuôi, bên cạnh chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trước đây thì Nghị quyết số 13/NQ-HĐND, ngày 14/4/2020 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 được triển khai đã tiếp tục bổ sung, mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng cũng như phục hồi chăn nuôi sau dịch bệnh, thậm chí ngay cả những doanh nghiệp sản xuất lợn giống cũng là đối tượng thụ hưởng khi cam kết cung ứng giống cho người chăn nuôi trên địa bàn. 

Tính đến đầu tháng 10, toàn tỉnh có 2.395 cơ sở đăng ký thực hiện và đã nghiệm thu được 649 cơ sở; đã giải ngân được 425 cơ sở với kinh phí là trên 4,9 tỷ đồng. Cùng với đó, cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo đối với người chăn nuôi về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. 

Cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống tại địa phương tăng cường nhân giống, cung ứng lợn giống bảo đảm chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để thực hiện việc tái đàn, tăng đàn lợn. 

Đối với người chăn nuôi khi mua lợn giống phải tìm mua ở các cơ sở có uy tín, lợn giống phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được phòng bệnh một số loại vắc xin bắt buộc như: Công ty Hòa Bình Minh, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái; Công ty TNHH Đầm Mỏ, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái; Trại lợn Lâm Ngọc Quang, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên; Trại Nguyễn Chí Thanh, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn. 

Chuồng trại chăn nuôi cần phải được tiêu độc khử trùng trước khi mua lợn về và nuôi tái đàn 10% so với tổng đàn theo quy mô ban đầu để đánh giá an toàn dịch bệnh. 

Qua các đợt dịch, có một thực tế dễ dàng nhận thấy là những hộ chăn nuôi có đầu tư chuồng trại đầy đủ, có khu cách ly ngăn ngừa mầm bệnh bài bản… đều không phát sinh dịch bệnh, đàn vật nuôi vẫn phát triển tốt. Cụ thể như đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã có 13 trang trại và 308 cơ sở chăn nuôi lợn hàng hóa được an toàn. 

Do đó, những năm qua, phong trào phát triển chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, từng bước chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hàng hóa theo quy mô tập trung, đầu tư tăng năng suất, sản lượng. 

Quy trình chăn nuôi tiên tiến đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hàng hóa, cơ cấu chăn nuôi lợn công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 50% tổng đàn, sản lượng thịt hơi chăn nuôi công nghiệp chiếm 50% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng, đạt mục tiêu đề ra. Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, chăn nuôi an toàn dịch bệnh được quan tâm, thực hiện. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 3 cơ sở chăn nuôi lợn được chứng nhận VietGAP, 5 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ngoài ra việc thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được áp dụng rộng rãi, xử lý chất thải bằng hầm Biogas được áp dụng ở hầu hết các cơ sở chăn nuôi công nghiệp, công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh được quan tâm đạt trên 80% tổng đàn hàng năm.

Trong thời gian tới, để chăn nuôi lợn phát triển bền vững, tỉnh Yên Bái sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi lợn tập trung theo trang trại, gia trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với an toàn sinh học và phòng trừ dịch bệnh có hiệu quả; khuyến khích xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn, sản xuất khép kín để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. 

Tiếp tục cải tạo chất lượng con giống, loại thải thay thế dần đàn nái kém chất lượng bằng các giống chất lượng cao. Tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh và kiểm soát chặt chẽ vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn và con giống ra vào địa bàn tỉnh.

 Hồng Duyên