Phát triển sản phẩm chủ lực măng tre Bát độ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/10/2020 | 7:59:33 AM

YênBái - Công ty cổ phần Yên Thành là một trong hai doanh nghiệp thu mua, chế biến măng tre Bát độ chủ yếu toàn tỉnh. Cùng với Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty cổ phần Yên Thành thu mua 70% sản lượng. Ngoài ra, một số công ty của các tỉnh: Hải Dương, Bắc Giang thu mua khoảng 10%, còn lại các chợ truyền thống, thị trường nội địa tiêu thụ măng tươi trực tiếp khoảng 20%.

Sơ chế măng xuất khẩu ở Công ty cổ phần Yên Thành.
Sơ chế măng xuất khẩu ở Công ty cổ phần Yên Thành.

Đối với thị trường sản phẩm, Công ty cổ phần Yên Thành thu mua chủ yếu tại các huyện: Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên và một phần của huyện Trấn Yên. Sản phẩm sản xuất, xuất khẩu của đơn vị gồm: măng muối ở thị trường Đài Loan, măng khô ở thị trường Nhật Bản. Nhà máy măng khô có thể là nhà máy duy nhất ở Việt Nam có quy trình đồng bộ, quy mô và sản phẩm măng khô xuất khẩu. 

Trong 3 năm 2017 - 2018 - 2019, sản lượng sản phẩm sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp đạt tương ứng 1.533 - 1.855 - 1.870 tấn măng muối, 297 - 335 - 350 tấn măng khô với doanh thu 2,198 - 3,286 - 2,762 triệu đô la Mỹ. Quá trình tổ chức thu mua, chế biến sản phẩm, doanh nghiệp có nhiều giải pháp để sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, của khách hàng, bảo đảm chất lượng, đạt tiêu chuẩn sạch. 

Trong đó, có ba giải pháp hiệu quả. Diện tích 150 ha tre măng của Công ty được thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất hữu cơ, được đầu tư đúng quy trình từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch… nên năng suất cao gấp hai lần năng suất bình quân và là mô hình mẫu cho các hộ trồng tre măng trên địa bàn. 

Thực hiện khâu thu hoạch, luộc chín sản phẩm, đơn vị chủ yếu mua măng tươi của nông dân, áp dụng giải pháp hấp chín măng bằng nhiệt nồi hơi và tập trung hấp chín tại các cơ sở tập trung để bảo đảm khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, sản xuất ra sản phẩm sạch với quy mô lớn, chất lượng đồng đều. 

Doanh nghiệp đã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất từ khâu trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu sản phẩm với một số hợp tác xã, tổ hợp tác mang đến lợi ích chung, bền vững từ người trồng măng đến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. 

Nâng cao hiệu quả cây tre măng Bát độ, hiện tỉnh đã có các giải pháp mang tính chiến lược được các cấp, các ngành thực hiện là: Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ huyện Trấn Yên; Xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm măng tre Bát độ tỉnh Yên Bái; Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ huyện Văn Yên. Khi các dự án này hoàn thiện sẽ khắc phục được tình trạng quảng canh, tăng năng suất cây trồng và hiệu quả thu được từ cây tre măng; sản phẩm măng tre Bát độ Yên Bái được quảng bá, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước, xuất khẩu. 

Ông Nguyễn Đức Dũng - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành kiến nghị: để măng tre Bát độ trở thành sản phẩm chủ lực của Yên Bái, tỉnh cần tiếp tục duy trì thực hiện hiệu quả các đề án, dự án phát triển cây tre măng Bát độ đã được phê duyệt. 

Về phát triển vùng nguyên liệu, đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện các đề án phát triển cây tre măng Bát độ tại địa phương đủ diện tích theo mục tiêu đã đề ra; triển khai đại trà, đồng bộ phương pháp khai thác nhân giống mới để trồng đạt hiệu quả. 

Đồng thời, triển khai hiệu quả các dự án liên kết để tăng năng suất cây trồng có thể đạt gấp hai, ba lần so với hiện tại; từ đó, nâng cao thu nhập cho nông dân và thuận lợi hơn cho việc mở rộng diện tích. Về khâu chế biến, cần hỗ trợ chính sách và đầu tư vùng nguyên liệu đủ sản lượng, giúp doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm tinh chế măng ăn liền gói nhỏ tại Yên Bái để nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. 

Măng tre được coi như sản phẩm sạch và có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người. Theo đánh giá của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, nhu cầu tiêu thụ măng tre sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Trên thế giới, măng tre được sản xuất chủ yếu tại một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Việt Nam nhưng sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu.

Việt Nam hiện có lợi thế trên thị trường quốc tế vì có các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết với các nước nhập khẩu, tiêu thụ sản lượng măng lớn trên thế giới. 

Yên Bái có lợi thế là tỉnh duy nhất có chương trình trồng tre lấy măng thành công, có khối lượng sản phẩm lớn trở thành hàng hóa xuất khẩu. Như vậy, măng tre Bát độ có điều kiện trở thành hàng hóa chủ lực của tỉnh Yên Bái.

Nguyễn Thơm