Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục: Yên Bái quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/10/2020 | 11:51:23 AM

YênBái - Đó là ý kiến phát biểu của đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 được tổ chức sáng 31/10 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Trước khi vào chương trình chính, các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái đã tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ để người dân và các học sinh sớm ổn định cuộc sống. 



Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ.

Năm học 2019 - 2020 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; với thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, tác động mạnh mẽ đến hoạt động của ngành giáo dục, song ngành vẫn tập trung triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục- đào tạo (GD-ĐT); triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.



Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 

Bộ GD-ĐT đã ban hành và chỉ đạo thực hiện các quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông... Hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam được quốc tế ghi nhận là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á- Thái Bình Dương...  

Công tác thi, kiểm tra, đánh giá đã được đổi mới theo hướng ngày càng thực chất và hiệu quả. Đặc biệt, năm 2020, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp đã được tổ chức thành 2 đợt phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương… 

Đặc biệt đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, điển hình là việc dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình, nhất là trong thời gian giãn cách, cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định: tỉnh Yên Bái trân trọng tiếp thu và triển khai nghiêm túc nhiệm vụ GD-ĐT để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo. 



Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Yên Bái tham dự Hội nghị.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã làm rõ một số kết quả mà tỉnh Yên Bái đã đạt được trong việc thực hiện Đề án "Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020”; kết quả đạt được trong duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. 

Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất ngành giáo dục được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo hướng chuẩn hóa, từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. 

Tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày với 584 lớp 17.648 học sinh. Với đặc thù là một tỉnh miền núi có số đông đồng bào dân tộc, học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 60%, tỉnh đã đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Điểm nhấn trong công tác giáo dục dân tộc những năm gần đây là công tác giáo dục kỹ năng sống, công tác giáo dục văn hóa dân tộc và thực hiện phong trào "Tương thân, tương ái". 



Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất cho các trường thuộc vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng chỉ rõ một số khó khăn trong công tác giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh như: hiện tại, không có các quy định pháp luật, các văn bản hướng dẫn về thực hiện định mức học sinh trên nhân viên nuôi dưỡng và nguồn kinh phí để chi trả cho những nhân viên nấu ăn tại các trường phổ thông dân tộc nội trú; chính sách, cơ chế tài chính cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú theo Thông tư số 109/2009/TT-BTC được ban hành từ năm 2009 đến nay không còn phù hợp với tình hình thực tế; cán bộ, quản lý giáo viên của trường phổ thông có học sinh bán trú chưa đủ điều kiện chuyển đổi thành trường phổ thông dân tộc bán trú không được hưởng chế độ phụ cấp… 

Do đó, để đảm bảo hoàn thành tốt hơn công tác GD-ĐT trong giai đoạn tới, tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT điều chỉnh, bổ sung chính sách đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú theo hướng tích hợp chính sách trong bộ chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất cho các trường thuộc vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học, quản lý giáo dục. 

Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh quy định về định mức giáo viên cho phù hợp với tình hình thực tế, có sự phân biệt giữa vùng thấp với vùng cao, giữa các cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất khác nhau. Tỉnh Yên Bái cũng đề nghị Bộ có hướng dẫn để công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các trường học có nhiều cấp học. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam hoan nghênh và biểu dương nỗ lực của toàn ngành giáo dục và các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể trong thời gian qua đã luôn dành sự quan tâm đối với sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà.  

Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung quan tâm hơn nữa tới sự nghiệp GD-ĐT; chú trọng xây dựng văn hóa trong giáo dục; nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của toàn xã hội đối với ngành giáo dục. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới giáo dục không chỉ hoàn thành trong 1 năm mà cần phải có thời gian nhiều năm nên chúng ta phải kiên trì, kiên định với mục tiêu đã đề ra, nghiêm khắc nhìn vào những hạn chế để kịp thời chấn chỉnh cho phù hợp. 

Thanh Chi - Mạnh Cường