Lê Anh Tuấn - người cán bộ tận tâm với dân

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/11/2020 | 7:49:09 AM

YênBái - Phát huy đúng nghề mình đã học, kỹ sư trẻ Lê Anh Tuấn là người đang được thử thách ở nhiều vị trí lãnh đạo cơ sở, đóng góp đặc biệt trong phát triển nông lâm nghiệp của địa phương.

Đồng chí Lê Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh (bên trái) tham quan mô hình trồng bưởi Diễn của ông Tằng Văn Quỳnh, thôn Yên Định.
Đồng chí Lê Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh (bên trái) tham quan mô hình trồng bưởi Diễn của ông Tằng Văn Quỳnh, thôn Yên Định.

Về xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên tìm hiểu về thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy, chúng tôi gặp lại đồng chí Lê Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh tại nhà ông Tằng Văn Quỳnh, thôn Yên Định. Đồng chí Tuấn mới được Ban Thường vụ Huyện ủy điều động làm Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh từ tháng 5/2020.

Ông Tằng Văn Quỳnh chia sẻ: "Vườn bưởi nhà tôi có 60 cây, được trồng từ năm 2016 và đang trong giai đoạn nuôi quả. Mặc dù hiểu về giống bưởi, nhưng theo từng giai đoạn, chúng tôi cũng rất cần học hỏi thêm từ những người có kiến thức. Được Chủ tịch UBND xã Lê Anh Tuấn xuống tận vườn hướng dẫn cách chăm quả, tỉa cành, bớt lá, cách bón thúc cho quả ngọt… gia đình đã hiểu hơn và tin tưởng những tháng cuối năm vườn bưởi sẽ cho thu hoạch nhiều hơn năm trước”. 

Bà Hoàng Thị Dụng ở thôn Quang Vinh cho biết: "Nhà tôi cũng trồng hơn 200 gốc bưởi Diễn. Chúng tôi rất cảm ơn và yên tâm hơn khi đồng chí Tuấn thường xuyên giúp đỡ. Với chuyên môn cử nhân nông lâm nghiệp, trước đây, khi đang công tác trên huyện, đồng chí Tuấn đã nhiều lần về xã hướng dẫn chúng tôi phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Hiện, xã Hưng Thịnh đã có 1 hợp tác xã cây ăn quả có múi và chúng tôi rất kỳ vọng anh tiếp tục giúp hợp tác xã cũng như bà con tiến tới xây dựng thương hiệu cây ăn quả có múi của xã”.

Sinh năm 1984, trong một gia đình nghèo đông anh em ở xã Y Can, huyện Trấn Yên, ngay từ khi còn là học sinh phổ thông, Lê Anh Tuấn luôn nỗ lực vượt khó học tập tốt để sau này được học chuyên nghiệp về lĩnh vực trồng trọt hoặc chăn nuôi. 

Bằng nghị lực vươn lên, anh Tuấn đã trúng tuyển Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Tốt nghiệp, anh về công tác tại Trạm Khuyến nông huyện. 

Với tinh thần ham học hỏi, anh xin lãnh đạo Trạm cho mình làm khuyến nông viên cơ sở để tiếp xúc thực tế tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kiến thức chuyên môn. Bằng kinh nghiệm thực tiễn tại cơ sở, anh Tuấn đã giúp lĩnh vực nông lâm của huyện đạt nhiều thành quả. 

Do đó, năm 2018, anh được Huyện ủy điều chuyển công tác về xã Kiên Thành - một địa phương đa số đồng bào dân tộc và đặc biệt khó khăn. Tại địa bàn mới, anh được chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã và được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã. 

Trong quá trình công tác, anh cùng với tập thể cán bộ xã luôn sáng tạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới như: trực tiếp triển khai mô hình cánh đồng một giống tại thôn An Thịnh bằng giống lúa HT1, sản lượng đạt 2,2 tạ/ha, với hơn 60 hộ tham gia giúp người dân nâng cao thu nhập; hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chặt tỉa, chăm sóc cây tre măng Bát Độ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như mở rộng diện tích trồng loại cây này và tre măng Bát độ đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu của xã… 

Năm 2019, anh cùng lãnh đạo xã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, khối đoàn thể, nhân dân tập trung xã hội hóa xây dựng lại 7 nhà văn hóa thôn. Tháng 10/2019, Kiên Thành vinh dự được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thành quả ấy, có sự đóng góp của Phó Chủ tịch UBND xã Lê Anh Tuấn. 

Với những thành tích đạt được, anh Tuấn tiếp tục được Huyện ủy tin tưởng điều động giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh. Về địa bàn mới - nơi có nhiều thành tích nổi bật trong lĩnh vực phát triển nông lâm nghiệp những năm qua, nên có những thuận lợi cơ bản nhưng khó khăn, thách thức cũng nhiều. 

Anh Tuấn cho biết: "Hiện, Hưng Thịnh đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với các chương trình phát triển các sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của địa phương, chủ lực là cây ăn quả có múi với diện tích trên 230 ha. Đồng thời, xây dựng thành công 40 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có chứng nhận chất lượng sản phẩm cho cam Đường canh và bưởi Diễn tại các thôn: Yên Bình, Khang Chính, Yên Thuận. Với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo, được cọ xát thực tế, chắc chắn tôi cùng Đảng bộ xã tiếp tục đưa cây ăn quả có múi trở thành cây mũi nhọn sản xuất hàng hóa chủ lực và phấn đấu xây dựng Hưng Thịnh trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu”. 

Trong hội nghị triển khai, thực hiện Chương trình hành động 190 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXVI Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Lê Anh Tuấn cùng Ban Chấp hành khóa mới đề ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm chủ yếu để nỗ lực hoàn thành 30 chỉ tiêu về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 62,5 triệu đồng vào năm 2025. Xã chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương để tập trung phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong đó, phát triển cây ăn quả có múi đang là thế mạnh của xã và tập trung sâu vào việc hướng dẫn người dân đầu tư thâm canh, đưa ra những sản phẩm hữu cơ hướng tới sản phẩm OCOP, trước mắt là đối với sản phẩm bưởi Diễn và cam Đường canh; tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất trong cả hệ thống chính trị, tập hợp sự đoàn kết trong nhân dân, xây dựng xã Hưng Thịnh phát triển toàn diện.

Trần Ngọc