Để chống tham nhũng thành công, phải kiểm soát quyền lực thật tốt

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/11/2020 | 7:47:53 AM

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đồng chí Trương Thị Mai kết luận hội nghị.
Đồng chí Trương Thị Mai kết luận hội nghị.

Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý các Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chủ trì Hội nghị. Đây là hội nghị thứ 2 nằm trong chuỗi 4 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. 

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội góp ý: các dự thảo báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nội dung đầy đủ, toàn diện; tuy nhiên, vẫn còn dài và dàn trải không làm nổi bật được đâu là nội dung quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Văn kiện cần chỉ ra những nội dung cụ thể, sâu đậm, những trọng tâm nhất, cần phải giải quyết trong nhiệm kỳ tới.

Góp ý cụ thể vào vấn đề văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, Nghị quyết Trung ương đã chỉ rõ văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển… nhưng văn hóa vẫn chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị. Sự mất cân bằng ấy, đã sinh ra hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sự trong sạch và vững mạnh của Đảng, phân tâm, suy giảm khối đại đoàn kết toàn dân. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tình hình mới, dự thảo Văn kiện cần viết lại phần nói về văn hóa, cả cách đặt vấn đề, cả nội dung và cấu trúc.

Ông Trần Hậu - Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, nên có sự so sánh toàn diện giữa thực trạng đất nước hiện nay với quá khứ đất nước trước khi đổi mới để thấy sự thay đổi vượt bậc, để tăng thêm niềm tin và hy vọng; đồng thời, so sánh thực trạng nước ta với các nước trong khu vực và thế giới để đề phòng tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, có thể gây nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa. Bên cạnh đó, nên đánh giá sâu hơn việc đổi mới đã toàn diện, đã đồng bộ như yêu cầu Đảng ta đề ra chưa? Ông cũng cho rằng, chúng ta chưa mấy thành công trong đổi mới hai lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu là giáo dục, khoa học và công nghệ - hai lĩnh vực quyết định đến con người, vốn quý của đất nước để cất cánh đi lên.

Vấn đề phòng chống tham nhũng cũng được nhiều đại biểu góp ý khi cho rằng, muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải chống được bệnh quan liêu. Cùng với đó, phải chống được tham nhũng vặt. Giáo sư Phan Trung Lý - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để chống tham nhũng thành công, phải kiểm soát quyền lực thật tốt. Bên cạnh đó, phòng chống tham nhũng phải quyết liệt hơn, cần có chế tài thật rõ, thật nghiêm về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, phải thu hồi triệt để thì mới ngăn chặn được tham nhũng.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai - Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định, Báo cáo chính trị của Đảng nhưng phải được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân trong quá trình đóng góp, từ nội dung đánh giá đến phương hướng sắp tới. Vì vậy, quá trình lấy ý kiến nhân dân này rất quan trọng. Các đoàn công tác của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII đã trực tiếp đi khảo sát tại nhiều địa phương và các tổ chức Đảng bộ lớn, đánh giá thêm thực tiễn trong việc thực hiện những quan điểm, chủ trương lớn của Đảng như vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác... để nghiên cứu hoàn thiện nội dung các dự thảo văn kiện.

Về quá trình chuẩn bị cho nhân dân góp ý vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, hiện Bộ Chính trị đã chỉ đạo và chia làm hai nhánh tiếp nhận góp ý. Một nhánh do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân góp ý cho Đảng thông qua thư góp ý, góp ý trên Cổng thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương và góp ý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhánh thứ hai do Ban Dân vận Trung ương phối hợp với hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức nhiều cuộc đóng góp ý kiến trực tiếp.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, với trách nhiệm của mình, Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng sẽ tiếp tục lắng nghe, tổng hợp các ý kiến đóng góp, chuyển cho Tiểu ban Văn kiện để tiếp tục hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội XIII.

B.T