Những thầy giáo mầm non nơi “lưng trời” Chế Tạo

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/11/2020 | 8:14:05 AM

YênBái - Những lớp học mầm non mà người đứng lớp hàng ngày dạy trẻ học ăn, học nói, chăm từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy từng lời ca, tiếng hát, vần thơ, cho các bé không phải là những cô giáo như thường thấy mà là những thầy giáo.

Một giờ dạy hát của thầy giáo Giàng A Tu.
Một giờ dạy hát của thầy giáo Giàng A Tu.

Đó là câu chuyện của những người thầy giáo dạy mầm non đang ngày ngày bám trường, bám lớp ở Chế Tạo - địa phương xa xôi nhất của huyện vùng cao Mù Cang Chải ươm những "mầm xanh” nơi đại ngàn xa thẳm.

Giữa tháng 11, chúng tôi lên với các thầy cô giáo nơi vùng cao xa xôi nhất của tỉnh Yên Bái. Qua câu chuyện với Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải Nguyễn Văn Tuấn, được biết về những người thầy đặc biệt "cũng múa hay, hát giỏi không kém các cô” với lòng yêu nghề, mến trẻ đang ngày ngày là mẹ hiền của đàn em nhỏ người Mông nơi lưng trời Chế Tạo, chúng tôi đã quyết định đến với xã vùng cao xa xôi và gian khó nhất của huyện. 

Sáng sớm, tiết đầu đông miền sơn cước thật khắc nghiệt! Sương mù dày đặc, mọi vật ướt đẫm, buốt lạnh! Từ trung tâm huyện Mù Cang Chải, vượt qua cung đường gần 40 cây số uốn lượn quanh những triền núi cao, cảm giác như "chân chạm mây, tay với tới trời”, chúng tôi đến gần trung tâm xã Chế Tạo. Đến đây, chúng tôi được các "chuyên gia vùng cao” dẫn đường là cô giáo Hiệu trưởng Trường Mầm non Chế Tạo và một số giáo viên khác. 

Con đường vốn gập ghềnh nay lại càng khó đi bởi những trận mưa, song những tay lái cừ khôi chuyên bám bản như các cô giáo vẫn điều khiển xe vượt qua những đoạn đường trơn trượt chẳng kém gì nam giới. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đến được điểm trường mầm non Tà Dông. 

Mới đến gần điểm trường đã nghe tiếng hát véo von song vẫn còn ngọng của các em bé người Mông: "Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba. Cả nhà ta cùng thương êng nhau. Xa là nhớ, gần nhau là cời (cười)”. 

Điểm trường nằm giữa non cao chỉ có 2 lớp, 1 lớp 4 tuổi với 23 trẻ và 1 lớp ghép 3 tuổi, 5 tuổi có 22 trẻ. Thầy giáo Giàng A Tu đảm nhận dạy lớp 4 tuổi. Từng cử chỉ âu yếm, nhẹ nhàng, ân cần như người mẹ dỗ dành đàn con thơ là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi bước vào lớp học của thầy giáo trẻ. Nếu bình thường trẻ vùng cao thường nhút nhát, dè dặt khi gặp người lạ thì ở lớp học này, các cháu đều đứng dậy lễ phép khoanh tay đồng thanh chào những vị khách từ nơi xa đến. Tuy giọng còn ngọng nghịu, song đã là cả một thành công lớn của giáo viên nơi vùng cao xa xôi này. 

Chứng kiến từng cử chỉ ân cần khi trẻ khóc, từng động tác múa, khi dạy hát hay chăm chút từng thìa cơm, ngụm nước, giấc ngủ trưa cho các bé mới thầm cảm phục cái tài của thầy giáo Tu. 26 tuổi, quê ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Mầm non Hải Dương, nộp hồ sơ đăng ký về dạy học tại quê hương mình, thầy Tu được phân công về Trường Mầm non Chế Tạo. 

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu nghề, thầy đã gạt sang một bên những khó khăn, thiếu thốn để tình nguyện vào nơi điểm trường xa xôi, "cắm bản” ở Háng Tày, Kể Cả và nay là Tà Dông là những điểm trường lẻ xa và khó khăn nhất của xã Chế Tạo. 

Thầy giáo Giàng A Tu tâm niệm: "Ai cũng muốn đi vào nơi đủ đầy thì ai sẽ mang chữ đến cho trẻ em nơi khó khăn, hẻo lánh này. Mỗi ngày được đến lớp để dạy các con học, vui đùa và được trẻ yêu thương, coi mình như "người bố thứ hai” chính là động lực để tôi thêm cố gắng”. Thầy Tu cảm thấy may mắn vì thầy là người dân tộc Mông nên rất am hiểu tâm lý, cách nói của các bé. Nhìn các bé ngoan ngoãn nghe lời và quấn quýt bên thầy mới thấy được tình yêu mà các bé nơi đây dành cho người thầy dạy mầm non này. 



Với thầy Lứ, hạnh phúc là khi các bé hoàn thành bậc học mầm non và biết tiếng phổ thông. 

Lớp học mầm non ở điểm trường Tà Dông được tận dụng từ lớp của học sinh tiểu học chuyển đi sau khi thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học nên rất đơn sơ. Thầy Tu kể, lớp chỉ tạm ổn vào mùa hè còn vào mùa đông thì lạnh lắm vì điểm trường ở trên cao, gió hun hút, trống trải. Còn đồ dùng, đồ chơi, thầy phải tự tay làm, từ các con vật, vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày đến những đồ chơi ngoài trời nên thầy Tu rất mong muốn các tấm lòng hảo tâm trợ giúp để các bé ở đây có đủ điều kiện học và chơi như bao bạn bè khác...

Có một điều thuận lợi là ở điểm trường thầy dạy có thể kết nối Internet. Tận dụng điều đó, thầy đã tích cực lồng ghép các bài giảng vào máy vi tính để tạo hứng thú thu hút trẻ tới trường mỗi ngày. 

Chị Giàng Thị Pàng - phụ huynh có con gái theo học lớp của thầy Tu tâm sự: "Lúc đầu, khi con vào học lớp thầy Tu tôi cũng có cảm giác lo lắng và thấy lạ. Thế nhưng, quan sát thấy thầy giáo dạy rất tận tình, chăm sóc các con tỉ mỉ và thấy các con vui vẻ đi học mỗi ngày nên tôi rất yên tâm. Nhà xa, thầy ở lại cuối tuần mới về nên mỗi khi đến mùa làm nương, làm rẫy bận rộn, thầy Tu thường trông các cháu cho các phụ huynh đến tối luôn. Dân bản ai cũng tin, cũng quý thầy Tu, coi thầy Tu như ruột thịt vậy”. 

Chia tay thầy Tu, chúng tôi đến trung tâm xã Chế Tạo – nơi có điểm chính của Trường Mầm non xã Chế Tạo. Đón chúng tôi là một thanh niên trẻ, nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, trên môi nở nụ cười thân thiện. Cô giáo Sùng Thị Rú - Hiệu trưởng Trường mầm non Chế Tạo giới thiệu đây là thầy Lứ "mầm non” đang dạy lớp ghép 4, 5 tuổi. 

- Em gắn bó với nghề giáo viên mầm non lâu chưa, công việc hàng ngày của em thế nào? - tôi hỏi. 
Thầy Lứ nhanh nhẹn: 

- Em đã gắn bó với các bé mầm non được 8 năm rồi chị ạ! Hiện tại, mỗi ngày em đón trẻ lúc 7 giờ 30 phút, cho các bé tập thể dục và bắt đầu các tiết học trong ngày, rồi ăn trưa, ngủ trưa, ăn chiều…

- Là nam giới đi dạy mầm non có gì khó khăn không?

- Lúc đầu, nhiều người gọi em là "cô Lứ” cũng thấy ngại, song vượt qua những rào cản tâm lý, giờ càng gắn bó em càng thấy yêu hơn những em bé nơi này. Với em, hạnh phúc là khi các bé hoàn thành bậc học mầm non, biết hát một số bài hát và gọi tên các đồ vật thành thạo bằng tiếng phổ thông. 

Với lòng yêu nghề, mến trẻ, thầy Lứ "mầm non” đã không ngừng tự nâng cao chuyên môn của mình bằng việc đọc sách, tìm hiểu trên mạng về phương pháp sư phạm cho lứa tuổi mầm non, những điệu múa đẹp, những bài hát hay phù hợp với các bé. Do đó, thầy luôn được Ban Giám hiệu, đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn và nhiều năm liên tục thầy là giáo viên dạy giỏi cấp trường. 

Cô giáo Sùng Thị Rú - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chế Tạo cho hay: "Nhà trường hiện có 3 giáo viên nam đang theo dạy mầm non. Các thầy đóng vai trò đặc biệt quan trọng ở nơi vùng cao xa xôi này bởi từ trường chính đi đến các điểm trường lẻ chủ yếu là đường trơn trượt, rất vất vả. Các cô giáo hạn chế trong việc lái xe. Không quản khó khăn, vất vả và ngại ngần với nghề mà nhiều người coi là của phái yếu, các thầy luôn nhiệt tình, nỗ lực đến tận các bản để đón học sinh trong những ngày mưa rét, vận động học sinh đến lớp. Các thầy chính là cầu nối quan trọng để giữ lớp học luôn có trò, đưa tỷ lệ chuyên cần hàng tháng của nhà trường đạt 90% trở lên”.

Giữa đại ngàn gió núi nếu không có sự đam mê nghề, tình yêu đặc biệt với những "mầm non” của núi rừng thì rất khó để níu chân các thầy cô giáo, nhất là những "mì chính cánh” theo dạy bậc học mầm non. Tình yêu ấy chính là động lực để các "thầy giáo nuôi dạy trẻ” vượt qua mọi khó khăn, nuôi dưỡng, ươm mầm cho những tâm hồn trẻ thơ, để các em có nền tảng vững chắc, bước tiếp lên những bậc học cao hơn. Nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/), xin tri ân những thầy cô giáo nói chung và những thầy cô giáo vùng cao đang ngày đêm cắm bản, miệt mài đem tri thức đến cho trẻ em vùng khó khăn nói riêng!  

Thanh Chi - Đức Toàn