Nêu cao vai trò thầy, cô trong xây dựng “trường học hạnh phúc”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/11/2020 | 7:52:14 AM

YênBái - Xây dựng “Trường học hạnh phúc” là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành giáo dục được phát động triển khai từ năm học 2018 - 2019. Có ba tiêu chí quan trọng để xây dựng nên một “trường học hạnh phúc” đó là, yêu thương, an toàn và tôn trọng. Học sinh chính là đối tượng trung tâm và là chủ nhân của “trường học hạnh phúc”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, mục tiêu đưa Yên Bái phát triển xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc. 

Cụ thể hóa Nghị quyết, ngành giáo dục đã, đang có nhiều giải pháp để xây dựng một môi trường xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc trong giáo dục; trong đó, có xây dựng nên những ngôi trường hạnh phúc. 

Môi trường ấy, giúp học sinh hứng thú với việc đến trường, yêu thích các môn học, bài giải của thầy cô. Môi trường ấy, cũng giúp cho giáo viên có động lực để sáng tạo, cống hiến và hạnh phúc với nghề mình đã chọn. 

Vấn đề đặt ra là, để xây dựng nên một "trường học hạnh phúc” thì việc nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo được coi là yếu tố quyết định. 

Do đó, các thầy, cô không chỉ quan tâm đến dạy chữ, dạy kiến thức, mà còn phải dạy cách sống, cách ứng xử, yêu thương đùm bọc nhau để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, giúp học sinh cảm thấy hứng thú với việc đến trường, yêu thích các môn học và bài giảng.

Mỗi thầy, cô giáo cần đến với các em bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, biết quan tâm lắng nghe, thấu hiểu học sinh để nắm bắt tâm sinh lý, hoàn cảnh riêng, khả năng nhận thức, tiếp thu của học sinh để có phương pháp dạy học phù hợp, tích cực. 

Trường học thành một mái nhà chung, là nơi gắn kết thầy cô giáo với các học sinh với phương châm: "Trường như nhà, thầy cô như cha mẹ, bạn bè như anh em ruột”. 

Ở đó, các thầy cô luôn biết quan tâm tới đồng nghiệp, yêu thương các em học sinh như con của mình và học sinh biết quan tâm đến nhau. Thầy cô phải tích cực tự học, tạo ra những bài giảng hay, có chất lượng, rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên để thực sự là tấm gương sáng về đạo đức cho học sinh noi theo. Các nhà trường cần bố trí khoa học, đảm bảo an ninh, an toàn cho học sinh học tập, sinh hoạt. 

Đặc biệt, trong các trường nội trú, bán trú cần quan tâm công tác phòng chống cháy nổ, có biện pháp quản lý học sinh để tránh tai nạn thương tích. 

Đối với giáo viên chủ nhiệm, phải yêu thương và có trách nhiệm cao với học sinh, biết gắn kết và xây dựng tập thể lớp chủ nhiệm đoàn kết, biết quan tâm, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau… để mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui. 

Thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc sẽ tạo nên lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Khi ấy, niềm hạnh phúc sẽ không chỉ bó hẹp dưới mái trường, mà còn lan tỏa đến mỗi gia đình và toàn xã hội. 

Mạnh Cường