Xây dựng Mù Cang Chải thành huyện du lịch: Triết lý dẫn đường phát triển - Bài 1: Nỗ lực để “định vị”

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/11/2020 | 8:12:01 AM

YênBái - Khát vọng xây dựng Mù Cang Chải thành huyện du lịch của Yên Bái với triết lý "bản sắc, an toàn, thân thiện, hấp dẫn” đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và Đại hội XIX Đảng bộ huyện. Với những gì đang có, cả lợi thế và khó khăn, cần một chiến lược, một hướng đi như thế nào để Mù Cang Chải có thể phát triển như kỳ vọng?

Du khách nước ngoài trải nghiệm hoạt động dù lượn tại huyện Mù Cang Chải.
Du khách nước ngoài trải nghiệm hoạt động dù lượn tại huyện Mù Cang Chải.

Mù Cang Chải trước đây đơn giản là điểm dừng nghỉ khi người ta đi đường dài từ Hà Nội lên Lai Châu, Điện Biên hoặc qua Sơn La, Hòa Bình về Hà Nội. Điểm dừng nghỉ đó, nay đã là một trong 50 điểm du lịch hàng đầu được xếp hạng quốc tế. 

Mù Cang Chải đẹp nguyên sơ không chỉ ở thiên nhiên mà còn trong văn hóa và con người của người dân bản địa - điều mà rất ít những điểm du lịch ở Tây Bắc còn giữ được. Gõ cụm từ "Mù Cang Chải” trên công cụ tìm kiếm của Google, chưa đầy 1 giây đã cho gần 3 triệu kết quả. 

Trong đó, đa phần là những chia sẻ về vẻ đẹp văn hóa, vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang được tạo nên từ trí óc và bàn tay của con người. Kiến trúc sư, họa sĩ Trần Thị Thanh Thủy - giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã bị "mê hoặc” ngay lần đầu tiên lên Mù Cang Chải. Sự "mê hoặc” ấy cứ thôi thúc chị trở lại, chuyến đi hồi tháng 9 vừa rồi đã là lần thứ tư lên Mù Cang Chải nhưng chị vẫn bị cuốn hút như lần đầu. 

"Ngắm nhìn tầng tầng, lớp lớp những thửa ruộng bậc thang, chúng tôi hoàn toàn hiểu được vì sao ruộng bậc thang là Di tích quốc gia đặc biệt và được trình UNESSCO để tôn vinh là một trong những di sản của nhân loại” - chị Thủy tâm sự. 

Mù Cang Chải không chỉ có ruộng bậc thang mà còn có những đồi thông đẹp như Đà Lạt, những rừng trúc ngút ngàn như trong những phim cổ, hay vẻ đẹp hoang sơ, trong mát của những con thác nơi đầu nguồn. 

Đặc biệt, bản sắc văn hóa đậm nét của người Mông Si ở Mù Cang Chải trong âm hưởng của Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang đã khiến du khách lên Mù Cang Chải bất kỳ chỗ nào đều có thể trở thành điểm checkin tuyệt đẹp, bất kể nơi đâu cũng có thể cho những bức ảnh tuyệt vời. 

Càng đi sâu vào đời sống của người dân bản địa với những khám phá văn hóa đặc sắc từ trang phục, món ăn, nếp nhà, tập tục sinh hoạt, cách thức canh tác… mỗi tầng khám phá ấy lại càng khiến du khách có những trải nghiệm tuyệt vời, đó chính là điều khiến Mù Cang Chải luôn thôi thúc du khách trở lại. 

Vùng núi Tây Bắc cũng có nhiều địa phương khí hậu mát lành như Mù Cang Chải, nhưng có lẽ vẻ nguyên sơ của vùng cao này đã làm nên một Mù Cang Chải rất riêng trong lòng du khách.

Tiềm năng lớn, lợi thế có, nhưng với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, đời sống chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp, nhiều nơi cung cách sản xuất còn lạc hậu nên để thoát nghèo bền vững Mù Cang Chải còn rất nhiều khó khăn. 

Khó khăn, nhưng khát vọng làm thay đổi đời sống người dân, để người dân vùng cao nhanh chóng thoát nghèo và thoát nghèo bền vững đã thôi thúc lãnh đạo huyện xắn tay vào phát triển du lịch. 

Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: "Những năm gần đây, huyện xác định du lịch là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội. Bước đầu, huyện đã có những định hướng giúp người dân bắt nhịp được với cách làm du lịch; đồng thời, mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư, tham gia phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch tại địa phương”. 

Mù Cang Chải đã đúng khi xác định phát triển du lịch là hướng đi để thúc đẩy thoát nghèo nhanh, bền vững. Sự hứng khởi ban đầu của du khách khi đến điểm dừng nghỉ mang tên Mù Cang Chải đã được thỏa mãn hơn với các lễ hội với ý nghĩa như là sự khởi đầu để vùng cao này thu hút du khách. 

Kiên trì qua nhiều năm, Lễ hội Mùa nước đổ và Lễ hội Mùa vàng là hai sự kiện du lịch lớn nhất được duy trì hằng năm. Những nhà tổ chức đã liên kết với các nhà đầu tư, các câu lạc bộ để tổ chức các sự kiện và danh tiếng Ruộng bậc thang đã làm nên sự độc đáo thu hút du khách ngày một nhiều hơn. 

Năm 2019, trên 250.000 lượt người đã đến Mù Cang Chải để tham quan, du lịch, trong đó có 37.000 lượt khách quốc tế; doanh thu từ du lịch đạt 93 tỷ đồng, tăng 48 tỷ đồng so với năm 2018. Năm 2020, Mù Cang Chải phấn đấu đón và phục vụ 160.000 lượt khách, trong đó có 39.000 lượt khách quốc tế với doanh thu ước đạt 95 tỷ đồng. 


Mỗi năm, Mù Cang Chải lại có những sản phẩm mới, độc đáo, thu hút du khách. Gần đây, huyện đã phối hợp với Câu lạc bộ VietWings tổ chức các hoạt động dù lượn; phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức các buổi triển lãm ảnh về Mù Cang Chải… Đặc biệt, năm 2020, Mù Cang Chải đã phối hợp tổ chức thêm hai sự kiện mới lạ, độc đáo là Giải Marthon địa hình và "Mu Cang Chai Heli Tour". 

Ông Trần Trung Kiên - Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải cho biết: Theo các chuyên gia, đường đua giải Marathon địa hình rất đẹp, đạt chuẩn quốc tế. Khi hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật để công nhận đường đua đạt chuẩn thì Giải sẽ được tổ chức chuyên nghiệp 2 lần/năm với 2 cự ly là 70 km và 120 km. 

Đường đua sẽ đi qua nhiều điểm ngắm ruộng bậc thang tuyệt đẹp như đồi Mâm xôi, đồi Móng ngựa… Giải sẽ tác động lớn tới du dịch, thu hút lượng khách quốc tế lớn đến với Mù Cang Chải cùng lực lượng vận động viên trong nước và quốc tế, các nhà tài trợ. 

Cùng đó, trong tháng 9/2020, huyện Mù Cang Chải phối hợp với Công ty Trực thăng miền Bắc (thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam) tổ chức tour trải nghiệm dịch vụ khám phá Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang bằng máy bay trực thăng Bell 505 thông qua chương trình "Mu Cang Chai Heli Tour.  

Dịch vụ này mới triển khai nhưng rất khả thi, nó đáp ứng nhu cầu được thưởng ngoạn Danh thắng cho tất cả các du khách và sẽ trở thành dịch vụ thường xuyên trong các dịp lễ hội ở Mù Cang Chải thời gian tới.  

Nỗ lực thu hút đầu tư và xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch, tới nay, Mù Cang Chải đã có mạng lưới cơ sở lưu trú khá đa dạng như nhà nghỉ, khách sạn, đặc biệt là các homestay phát triển nhanh và ngày càng chuyên nghiệp hơn. 

Các sự kiện du lịch tổ chức có nhiều đổi mới để tôn vinh lợi thế, tiềm năng của Mù Cang Chải cùng với nỗ lực quảng bá, giới thiệu và đa dạng sản phẩm du lịch địa phương đã thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến vùng cao này mỗi năm. 

Du lịch Mù Cang Chải đã cơ bản "định vị” được mình để từ đó có một tầm nhìn và một chiến lược phát triển đúng nhằm đưa Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch trong những năm tới.

Big 7 Travel  - trang web chuyên cung cấp thông tin về các điểm đến hấp dẫn trên thế giới vừa công bố danh sách 50 điểm đến đẹp nhất năm 2020 dựa trên khảo sát 1,5 triệu người dùng các kênh của họ như Pinterest, Instagram. Trong đó, Mù Cang Chải, Yên Bái, Việt Nam xếp thứ 21. Còn CNBC - hãng truyền thông của Mỹ cũng chọn Mù Cang Chải là điểm đến năm 2020 cho du khách quốc tế.


Thanh Ba - Mai Linh