“Trầm tĩnh những nẻo đường” - bức tranh sống động về giáo dục vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/11/2020 | 7:57:37 AM

YênBái - Là nhà giáo đã từng nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng cao, tác giả Lương Quang Bách có khá nhiều truyện ngắn, ký và tiểu thuyết viết về sự nghiệp trồng người nơi đây. Vừa qua, ông lại cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Trầm tĩnh những nẻo đường” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2019.

Bìa 1 cuốn sách “Trầm tĩnh những nẻo đường” của tác giả, nhà giáo Lương Quang Bách
Bìa 1 cuốn sách “Trầm tĩnh những nẻo đường” của tác giả, nhà giáo Lương Quang Bách

Hơn 400 trang sách, hiện thực phản ánh là cuộc sống của đồng bào vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào thập niên 50 - 70 của thế kỷ XX. Chủ yếu vẫn là vấn đề đem cái chữ đến với người dân nhằm tạo cho họ cơ hội đổi đời cùng góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính Lê Quang Tân. Quê làng Thái, huyện Phù Xanh thuộc một tỉnh trung du Bắc Bộ, con ông Phó Đoạt là người hiểu sâu về sự học "Ở đời, con người ta muốn thoát khỏi lối sống tầm thường, vị kỷ, hám danh, trục lợi, bất hiếu, bất trung chỉ có thể lấy sự học làm đầu. Sự học dài lắm. Phải học từ thấp lên cao. Có thế mới hiểu được mọi điều từ dễ đến khó. Khi nào học được nhiều điều thì sự nghiệp và chí khí lớn lao của mình mới thực hiện được”. 

Bản tính thông minh và là người có khát vọng vươn lên đã giúp anh trở thành học sinh luôn đứng đầu các bậc học cấp I, cấp II và trung cấp sư phạm. Đồng thời, cũng là cán sự bộ môn, lãnh đạo lớp, tiền đề cho quá trình công tác sau này. 

Vốn là niềm tin của cha và hy vọng của gia đình song ước vọng học lên cấp III và thi vào một trường đại học lại rẽ ngang bằng quyết định nộp đơn theo ngành sư phạm. Nguyên nhân được lý giải bằng tình yêu với Tiệp, nhưng có lẽ đây là dụng ý của tác giả chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo trong xây dựng tính cách nhân vật làm bật chủ đề. 

Tốt nghiệp Trường trung cấp sư phạm và về nhận công tác tại Trường cấp II Bình Quyên quê hương nhà. Được phân dạy Toán lớp 6E vốn là lớp có nhiều học sinh cá biệt. Bằng trách nhiệm và tình yêu thương, thầy giáo trẻ Lê Quang Tân đã khéo léo thuyết phục, gây dựng phong trào hoạt động sôi nổi cho lớp và cho toàn trường. 

Ở đây, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng. Và cũng chính xác định rõ vai trò tiên phong của người đảng viên mà làm đơn tình nguyện lên miền núi dạy học "Hãy là cánh chim bay trong gió bão để thử sức mình. Hãy thoát ra khỏi sự ràng buộc thủ cựu, lạc hậu của làng quê đã gây ra biết bao nhiêu phiền toái về cách ứng xử trong cuộc sống và tình cảm giữa con người và con người hằng ngày. Đi xa để đến lúc về sẽ có kinh nghiệm xây dựng làng quê đổi mới về giáo dục”.

Ở tỉnh miền núi Phúc Chẩn, Lê Quang Tân được phân về dạy học và làm Hiệu trưởng Trường cấp I xã Phìn Ngan, huyện Mường Kham. Bao nhiêu khó khăn phải vượt qua: đường đi từ huyện lỵ tới nơi cũng phải hai ngày lội suối băng rừng; rồi chỗ ăn ở cũng chỉ là nhà tạm đầy bọ chó, bữa ăn chủ yếu măng rừng lẫn muối ớt, dầu thắp cũng phải tiết kiệm... Vất vả nhất vẫn là vận động học sinh ra lớp vì đời sống người dân thiếu đói thường niên và bao hủ tục níu chân. Kiên trì bám dân bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với dân nên được bà con quý mến và "nghe lời thầy giáo cho cả con trai, con gái lớn đi học cái chữ, hy vọng đời sống của con cháu mình sau này sẽ khá hơn”. 

Một mình đứng bốn lớp, ngày hai buổi dạy ghép từ vỡ lòng đến lớp ba. Buổi đầu bỡ ngỡ, lâu dần thành quen và tự mình tìm ra cách dạy sao cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ nhất. Lớp học sinh đầu tiên Sùng Nhà Chu, Vàng Khen, Giàng Khâu, Mùa Thị Lay đã đặt nền móng cho ước mơ "Trường cấp I Phìn Ngan sẽ có học sinh sau khi học hết chương trình lớp 4 được về học tại Trường Thiếu nhi vùng cao Việt Bắc”. Anh xác định "trách nhiệm của những người làm thầy giáo như Tân phải luôn nâng đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho những mầm xanh trên được ươm trồng, chăm sóc chu đáo, tận tình, trở thành những tán cây xum xuê, tươi tốt, sai hoa, nặng quả có ích cho đời”. 

Cùng với lo cho sự nghiệp giáo dục và cả vấn đề phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo hiện tại và tương lai. Mở lớp dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ xã, tham mưu giúp việc tích cực cho cấp ủy, chính quyền xã "Tân có ý định trụ bám ở Phìn Ngan trong khoảng thời gian không hạn định nhưng phải đào tạo được cho địa phương những cán bộ kế cận có đủ năng lực trình độ làm đổi mới quê hương”. 

Hết năm học thứ ba, khi Trường cấp I Phìn Ngan trở thành điển hình của phong trào giáo dục Mường Kham thì thầy Hiệu trưởng Lê Quang Tân được điều động về Phòng Giáo dục làm công tác chỉ đạo chuyên môn. Thêm một lần băn khoăn và vai trò, trách nhiệm đảng viên đã giúp anh vượt qua tình cảm, tính toán cá nhân. 

Là tổ trưởng chuyên môn phụ trách khối cấp I, có những đề xuất sáng tạo nhưng không được chấp nhận vì gặp phải vị Trưởng phòng hẹp hòi, ích kỷ, quen bắt người khác quỵ lụy, phục tùng. Không được bổ nhiệm Phó trưởng phòng cũng như bầu làm Thư ký Công đoàn, Lê Quang Tân lại bị điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường cấp I thị trấn Mường Kham. Hai năm hai lần thuyên chuyển, phải chăng tác giả Quang Bách muốn thông qua nhân vật nêu nhận xét "thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt” như người đời nói. 

Về Trường tiểu học thị trấn Mường Kham, với kinh nghiệm tích lũy được từ Trường cấp I Phìn Ngan cùng một năm chỉ đạo ở Phòng Giáo dục giúp anh có kế hoạch duy trì và thúc đẩy phong trào: bồi dưỡng học sinh giỏi ngoài giờ không nhận thù lao, hội giảng giáo viên nhưng quan trọng nhất là xây dựng khối đoàn kết, thương yêu nhau trong Hội đồng Giáo dục. Hiệu trưởng Lê Quang Tân cũng được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua. 

Gần hai mươi năm gắn bó, trải qua các thời kỳ biến động của lịch sử đất nước như chống Mỹ, chiến tranh biên giới gian khổ, hy sinh, Trường cấp I thị trấn Mường Kham đã trở thành Trường liên cấp I, II, được đầu tư cả về đội ngũ thầy cô giáo và cơ sở vật chất. Hiệu trưởng Lê Quang Tân cũng có một mái ấm với cậu con trai Lê Quang Sơn theo học đại học sư phạm và con gái Lê Hà Thu mơ ước học xong cấp III sẽ thi vào đại học lâm nghiệp theo nghề của ông ngoại. Từng khước từ đề nghị chuyển công tác sang Huyện ủy, về Ty Giáo dục vì "cái duyên Hiệu trưởng cứ níu kéo, ràng buộc”.

Cuối cùng, kết thúc có hậu cho một con người trải bao thăng trầm, anh được sự quan tâm của cấp trên cử đi học bồi dưỡng chính trị 5 năm tại Trường Nguyễn Ái Quốc nhằm đào tạo cán bộ kế cận.

Xây dựng nhân vật Lê Quang Tân, tác giả Lương Quang Bách muốn gợi lại một mẫu thầy giáo trong môi trường nhà trường xã hội chủ nghĩa, nhất là hoàn cảnh vùng cao: giàu tình thương yêu con người, cần cù chịu khó, có chí tiến thủ, toàn tâm toàn ý vì công việc, không có đấu tranh gay cấn tạo nên kịch tính và được đẩy đến cao trào như một số tác phẩm xuất hiện gần đây. 

Đối lập ở "Trầm tĩnh những nẻo đường” chủ yếu là cái cũ, cái lạc hậu với tiến bộ, tích cực như: nghèo đói với khát vọng học chữ đổi đời; hôn nhân áp đặt phong kiến và tình yêu tự do; vật chất gian khổ với tinh thần xung phong gương mẫu. Cũng đã xuất hiện chân dung nhân vật phản diện tiêu biểu cho sự bảo thủ, trì trệ như Trưởng phòng Giáo dục Mường Kham Nguyễn Thế Dong. 

Dù có nhiều nét gần gũi với đời thực tác giả, song tác phẩm không phải là tự truyện mà đã có hư cấu, sáng tạo từ vốn sống tích lũy qua quá trình trải nghiệm. Ở "Trầm tĩnh những nẻo đường”, ta gặp khá nhiều trang viết thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của tác giả về cuộc sống, phong tục của quê hương cũng như đồng bào vùng cao. Giọng văn kể chuyện đậm chất trữ tình, đôi lúc mang tính triết luận nhằm khẳng định cá tính nhân vật. 

Có một số trường đoạn hay như: Lê Quang Tân khéo léo giải quyết mâu thuẫn với Mã Dín Sèng vì ghen tuông; khi anh gặp lại và chứng kiến sự hy sinh của đứa con Bùi Quốc Thủ ngoài mặt trận "Sau khi đặt bó hoa rừng còn tươi màu đất núi, Lê Quang Tân lặng lẽ, trầm ngâm rì rầm tâm sự rất lâu với người dưới mộ. Nước mắt giàn giụa, lồng ngực đau nhói, Lê Quang Tân dang rộng vòng tay ghì ôm nấm mộ, áp mặt, hít hà mùi đất hăng nồng. 

"Thủ ơi”! - Lê Quang Tân buột miệng kêu to, có quỷ thần hai vai chứng giám, ta chưa bao giờ phai nhạt tình con, con đã vì dân vì nước mà hy sinh. Nghĩa cả ấy ta biết, mọi người biết, mẹ Lụa con bây giờ chưa biết nhưng sau này sẽ biết”. Là tiểu thuyết có sự đầu tư dài hơi, "Trầm tĩnh những nẻo đường” đã trở thành bức tranh sống động về giáo dục vùng cao thời kỳ đầu nước ta bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thế Quynh