Yên Bái: Đánh giá kết quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng khu vực giáp ranh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/11/2020 | 11:02:25 AM

YênBái - Ngày 27/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) khu vực giáp ranh tỉnh Yên Bái với các tỉnh năm 2020; triển khai giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2021.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi cục kiểm lâm 7 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ.

Vùng giáp ranh 7 tỉnh có địa giới hành chính của 28 huyện. Tổng diện tích đất có rừng trên 740.365 ha, trong đó rừng tự nhiên là trên 481.419 ha; rừng trồng trên 273.817 ha. Phần lớn rừng tự nhiên tại khu vực này có trữ lượng rừng giầu, tính đa dạng sinh học cao, lưu trữ nhiều nguồn gen quý hiếm. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt nên nguy cơ cháy rừng cao. Trong năm qua, công tác phối hợp bảo vệ, phát triển rừng khu vực giáp ranh đã được các địa phương đặc biệt quan tâm. 

Tính đến hết tháng 10 năm 2020, khu vực giáp ranh 7 tỉnh đã tổ chức được gần 700 cuộc họp thôn, bản với trên 55.700 lượt người tham gia công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. 

Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị và thực hiện tốt quy chế phối hợp nên các vụ cháy rừng đã giảm, thời gian qua chỉ xảy ra 2 vụ cháy rừng trồng tại huyện Phong Thổ và Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Công tác trao đổi thông tin được trên 730 lần, tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, tại vùng giáp ranh, các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 107 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; tịch thu 81,186m3 gỗ các loại...; xử phạt hành chính nộp ngân sách Nhà nước 563.450.000 đồng. 

Thảo luận tại Hội nghị các đại biểu cùng nêu thực trạng về công tác quản lý lâm sản, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các lực lượng chuyên môn trong việc ngăn chặn tình trạng buôn bán lâm sản trái phép trong khu vực; công tác phối hợp điều tra, thống kê phân loại các cơ sở chế biến gỗ, đầu nậu khai thác trái phép lâm sản tại các vùng giáp ranh; việc sử dụng đất rừng, tình trạng xâm canh, lấn chiếm rừng tại các một số vùng giáp ranh. 

Các đại biểu đã cho ý kiến về việc thực hiện quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các địa phương và lực lượng chức năng; sự hỗ trợ và phối hợp trong công tác tuyên truyền cho người dân về PCCCR; giới thiệu các mô hình kinh tế đồi rừng hiệu quả nhằm nâng cao đời sống cho người dân vùng giáp ranh. 

Trong năm 2021 chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tại 7 tỉnh vùng giáp ranh sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhất là tại các xã các thôn trọng điểm nhằm hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Phối hợp tổ chức điều tra, xác minh, kiên quyết xử lý vi phạm; xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức diễn tập PCCCR cấp xã, cấp thôn giáp ranh tại các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao...

Hồng Duyên