Yên Bái phát triển mạnh nông nghiệp và kinh tế nông thôn - Bài 1: Tái cơ cấu nền nông nghiệp toàn diện

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/11/2020 | 1:53:06 PM

YênBái - Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh chủ trương tập trung duy trì và phát triển toàn diện ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển dịch phát triển từ chỗ đạt mục tiêu về số lượng sang phát triển theo yêu cầu của thị trường về chất lượng.

Nông dân Yên Bái cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Nông dân Yên Bái cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Xác định vai trò, vị trí quan trọng của phát triển nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong từng giai đoạn, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp với quan điểm: tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) và từng bước phát triển sản xuất hàng hóa, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở vùng cao và phát triển, mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở vùng thấp.

Có thể thấy, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM thực sự là đòn bẩy quan trọng tạo ra những chuyển biến quan trọng cho toàn ngành nông nghiệp Yên Bái những năm gần đây. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh đã đạt được bước tăng trưởng khá, tiếp tục khẳng định vai trò là nền tảng, trụ đỡ, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Những thành tựu nổi bật đạt được, đó là tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 ước đạt 6%, bằng 120% so với mục tiêu. Cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 ước đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, vượt 0,7% so với mục tiêu. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (ước đạt 7.746 tỷ đồng, bằng 101,1% so với mục tiêu đề ra. ANLT được giữ vững, gia tăng mạnh mẽ về quy mô, diện tích, sản lượng các cây trồng, vật nuôi chủ lực. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực, các giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao áp dụng ngày một nhiều hơn. 

Thay đổi thói quen, nhận thức của người dân từ sản xuất quảng canh, quy mô nhỏ sang sản xuất thâm canh, quy mô lớn, tập trung; ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và giá trị thu được trên đơn vị diện tích canh tác.

Với định hướng căn bản là chuyển mạnh từ phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, cơ cấu lại sản xuất của ngành được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, gắn với nhu cầu của thị trường, nông nghiệp từ vùng thấp đến vùng cao của tỉnh Yên Bái từng bước được cơ cấu lại một cách toàn diện với việc khuyến khích mở rộng phát triển mạnh cây sơn tra tại 2 huyện vùng cao; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ, tạo điều kiện để người dân vừa tham gia bảo vệ rừng vừa có thu nhập chính đáng từ rừng. Phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm có lợi thế và vật nuôi có giá trị cao, được thị trường ưa chuộng như lợn bản địa, gà đen. 

Đối với vùng thấp, đẩy mạnh phát triển, mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đi đôi với xây dựng thương hiệu cho các nông sản, gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với đầu ra của sản phẩm. 

Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2010 - 2015 duy trì từ 4,5% - 5%; giá trị sản xuất năm 2015 đạt 6.050 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2010; cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 79,6% xuống còn 77,8%; ngành lâm nghiệp tăng 0,8%. 

Các chính sách, dự án thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã hỗ trợ nông dân phát triển 421 cơ sở chăn nuôi trâu, bò tập trung quy mô từ 10 con/cơ sở; 125 cơ sở chăn nuôi trâu, bò từ 30 con trở lên; 157 cơ sở chăn nuôi lợn sinh sản quy mô từ 15 con trở lên/cơ sở; 159 cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung quy mô từ 1.000 con trở lên; hỗ trợ phát triển 780 lồng cá; hỗ trợ 184 cơ sở nuôi cá eo ngách trên hồ Thác Bà; hỗ trợ trồng mới 1.542 ha cây ăn quả có múi; 187 ha chè Shan; trên 4.200 ha quế; 1.188 ha tre măng Bát độ; 2.480 ha cây sơn tra... 

Bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh như Công ty cổ phần Nông sản sạch B&G Việt Nam; Công ty cổ phần Đầu tư An Sơn; các dự án đầu tư trồng rừng kinh tế; dự án đầu tư chăn nuôi lợn nái siêu nạc chất lượng cao; dự án đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao...

Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh chủ trương tập trung duy trì và phát triển toàn diện ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển dịch phát triển từ chỗ đạt mục tiêu về số lượng sang phát triển theo yêu cầu của thị trường về chất lượng, đảm bảo hài hòa 2 mục đích là phát triển kinh tế tăng thu nhập bền vững cho nông dân và đảm bảo môi trường sinh thái. 

Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Trung ương, hàng năm bình quân tỉnh bố trí khoảng trên 50 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn này đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm). 

Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thủy sản. Giá trị sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bình quân tăng khá, nhiều diện tích canh tác cho thu nhập khá cao. 

Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt bình quân đạt trên 75 triệu đồng, tăng 25 triệu đồng/ha so với năm 2015, trong đó trên 20.000 ha sản phẩm chủ lực đạt từ 250 - 300 triệu đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản bình quân đạt trên 200 triệu đồng, gấp gần 2 lần năm 2015; đàn gia súc chính tăng bình quân 2,8%/năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại tăng 29% so với năm 2015, vượt 17% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; giá trị sản xuất tính trên 1 đơn vị diện tích đất rừng trồng bình quân đạt 50 triệu đồng/1 ha/năm. Tỉnh chỉ đạo tập trung mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn gắn với hình thành thị trường tiêu thụ ổn định cho 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp là thế mạnh đặc thù, lợi thế của từng vùng, địa phương như quế, tre măng Bát độ, sơn tra, vùng gỗ nguyên liệu, dâu tằm... 

Tỉnh chú trọng phát triển sản phẩm nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, đã xây dựng, phát triển được 94 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có trên 20 sản phẩm đặc sản, hữu cơ đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao. Đây cũng được xem là giải pháp thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Thực tiễn cho thấy, nhiệm vụ kép trong thực hiện tái cơ cấu toàn diện nền nông nghiệp đã tạo nên những kỳ tích trong XDNTM, đưa Yên Bái trở thành điểm sáng trong các tỉnh vùng Tây Bắc. 

Đến nay, toàn tỉnh công nhận 67 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 44,67%, dự ước đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 75 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 117,2% so với mục tiêu đặt ra. 

Huyện Trấn Yên 100% số xã cán đích NTM, trở thành huyện NTM đầu tiên của khu vực Tây Bắc; công nhận hoàn thành XDNTM đối với thành phố Yên Bái. Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2020, công nhận hoàn thành XDNTM đối với thị xã Nghĩa Lộ và công nhận được 10 xã đạt NTM nâng cao, 4 xã đạt NTM kiểu mẫu. Theo đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 32 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. 

Yên Bái đã đạt được kết quả khá quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đảm bảo ANLT. Từ đây, phương thức tổ chức sản xuất của người dân đã thay đổi tích cực, từ tự cung, tự cấp, phục vụ đời sống thiết yếu gia đình là chủ yếu chuyển dần sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu của thị trường; từ quy mô sản xuất nhỏ bé, chủ yếu dựa vào nguồn lực sẵn có của tự nhiên từng bước chuyển sang sản suất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra năng suất và sản lượng cao hơn, góp phần đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa vùng thấp và vùng cao trong tỉnh, mà việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất một cách căn cơ, bài bản và hiệu quả đã và đang đặt nền móng vững chắc cho nông nghiệp Yên Bái phát triển phù hợp với xu thế. 

Minh Thúy
(Bài 2: Đổi mới từ quy hoạch đến sản xuất)