Hành trình vượt khó của Hát Lừu

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/12/2020 | 7:56:59 AM

YênBái - Xuất phát điểm là xã vùng cao đặc biệt khó khăn nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người dân, xã Hát Lừu đã trở thành xã đầu tiên của huyện vùng cao Trạm Tấu- 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nông thôn mới Hát Lừu đã có nhiều khởi sắc
Nông thôn mới Hát Lừu đã có nhiều khởi sắc

Quan trọng hơn, từ xây dựng nông thôn mới (XDNTM), người dân xã Hát Lừu đã dần thay đổi tư duy, cùng nhau liên kết theo mô hình tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để hỗ trợ nhau sản xuất, phát triển kinh tế.

Khi bắt tay thực hiện XDNTM, xã Hát Lừu gặp nhiều khó khăn do có đến 99% dân số là người dân tộc Thái, trên 840 hộ sinh sống rải rác, không tập trung, trong đó 77,39% là hộ nghèo. Việc thực hiện các tiêu chí đòi hỏi phải có nhiều thời gian, vốn, nguồn lực. 

Trước nhiệm vụ dường như là "bất khả thi”, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Trạm Tấu, Đảng bộ xã Hát Lừu đã tiến hành khảo sát điều tra, rà soát hiện trạng tại các thôn, xây dựng quy hoạch đất, quy hoạch phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, khu dân cư; công khai đồ án quy hoạch và đề án XDNTM tới toàn thể nhân dân; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động, giúp nhân dân hiểu rõ và tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về XDNTM, thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình; từ đó, chủ động tham gia, không trông chờ, ỷ lại… 

Nhờ đó, đến cuối năm 2019, xã Hát Lừu đã huy động được trên 159.410 triệu đồng cho XDNTM, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 73,96%, vốn tín dụng chiếm 15,32%, nhân dân đóng góp 10,72%. Từ các nguồn vốn đó, xã đã đầu tư xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, nhà văn hóa, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân, nâng cấp, xây mới trường học... 

Ông Lò Văn Tiếp - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: "Hiện tại, đường từ trung tâm xã Hát Lừu đến trung tâm huyện Trạm Tấu và đường trục các thôn, xóm đều được bê tông hóa; hệ thống kênh mương nội đồng đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên tổng diện tích 231,5 ha. Xã có nhà văn hóa đa năng, có điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em và người cao tuổi; cả 4 thôn đều có nhà văn hóa với đầy đủ thiết chế văn hóa, công trình phụ trợ. 

Đặc biệt, 100% các hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn đảm bảo "3 cứng”, thời hạn sử dụng từ 20 năm trở lên và được sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,5%, số hộ gia đình văn hóa đạt 82%, nhiều hộ có thu nhập 80-100 triệu đồng/năm”.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xã còn chú trọng phát triển sản xuất, vận động nhân dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung. Xã đã lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế và năng suất cao đưa vào phát triển sản xuất, phát huy lợi thế của địa phương như: lúa tẻ đỏ và lúa nếp 87; chăn nuôi trâu, bò bán công nghiệp; nuôi gà đen, lợn mán, sản xuất lâm nghiệp, trồng và chế biến sả… ; đồng thời, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân. 

Đến nay, xã xây dựng được 11 THT, 2 HTX  tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát huy được thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao kinh tế địa phương. Tiêu biểu trong số này phải kể đến mô hình liên kết sản xuất của HTX Hương Chanh. 

Nhận thấy việc trồng sả lấy tinh dầu phù hợp với thổ nhưỡng và có thể phát huy tiềm lực về đất đai, lao động trên địa bàn, cuối năm 2018, HTX Hương Chanh đã liên kết sản xuất, khuyến khích bà con trồng sả lấy tinh dầu trên vùng đất trồng ngô, lúa nương cho năng suất thấp. Trung bình mỗi héc-ta, HTX hỗ trợ khoảng 800-1.000 kg giống, người dân có đất và bỏ công trồng, chăm sóc, thu hoạch còn HTX sẽ thu mua toàn bộ nguyên liệu cho bà con. 

Tới nay, mô hình liên kết trồng và sản xuất tinh dầu sả của HTX đã thu được kết quả khả quan, bình quân thu mua nguyên liệu cho bà con với giá 1.500 đồng/kg tươi, 4.500 đồng/kg khô; tỷ lệ tinh dầu đạt 16 kg/tấn lá khô với giá bán tinh dầu dao động 400.000 - 500.000 đồng/kg. 

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, xã Hát Lừu đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, trở thành xã vùng cao đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện Trạm Tấu nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung về đích NTM. Kết quả trên là cả một hành trình vượt khó và chung sức, đồng lòng của chính quyền, người dân vùng cao nơi đây. 

Hùng Cường