Liên minh Hợp tác xã Yên Bái với công tác xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/12/2020 | 10:17:24 AM

YênBái - Giai đoạn 2018 – 2020, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái tiếp tục đổi mới, phát triển giúp nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi căn bản đời sống và bộ mặt nông thôn; là “đòn bẩy” trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tham quan các sản phẩm của hợp tác xã tại Yên Bái
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tham quan các sản phẩm của hợp tác xã tại Yên Bái

Thúc đẩy kinh tế từ hợp tác xã

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, hợp tác xã tại Yên Bái đã phát huy hiệu quả trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất; tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường; đảm bảo thu nhập và từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cho thành viên, người lao động.

Qua đó đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết hợp tác trong nội bộ hợp tác xã, giữa các cơ sở nhỏ với nhau và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh doanh khác.

Đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 443 hợp tác xã, 3.662 tổ hợp tác. Năm 2019, doanh thu bình quân đạt 2,0 tỷ đồng/hợp tác xã; nộp ngân sách 35 tỷ đồng, kế hoạch đến năm 2020 doanh thu đạt 2,1 tỷ đồng/hợp tác xã, tăng 16,6% so với năm đầu nhiệm kỳ, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 36 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm đầu nhiệm kỳ.

Thu nhập bình quân người lao động đạt 50 triệu đồng/năm, tăng 8,7% so với đầu nhiệm kỳ. Các hợp tác xã, tổ hợp tác đã thu hút trên 51.840 thành viên, người lao động tham gia, tăng 74,5% so với đầu nhiệm kỳ.

Trong nông nghiệp tỉnh Yên Bái ngày càng xuất hiện nhiều hợp tác xã có liên kết với một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hình thành chuỗi sản xuất giá trị từ khâu cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến cho đến tiêu thụ, cung cấp sản phẩm cho thị trường… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên và hộ phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản của tỉnh.

Từ đó giúp nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và làm thay đổi căn bản đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn; là "đòn bẩy” trong xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu nhiệm kỳ tới

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Liên minh Hợp tác xã tỉnh xác định phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhanh và hiệu quả; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác ở các ngành nghề, lĩnh vực, tầng lớp Nhân dân, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của các địa phương; sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội , giữ gìn bản sắc văn hóa, cải thiện môi trường và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong hợp tác xã.

Phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 50 hợp tác  xã trở lên; thành lập mới 100 tổ hợp tác trở lên. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong hợp tác xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm; đối với tổ hợp tác đạt trên 45 triệu đồng/người/năm; Tạo việc làm cho 9.000 đến 10.000 lao động thường xuyên trong các hợp tác xã.

Tại Đại hội Liên minh hợp tác xã tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 – 2025, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã biểu dương những thành tích, kết quả mà các hợp tác xã và Liên minh Hợp tác xã tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, nhất trí phương hướng, mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Bảo cho rằng trong những năm tới kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Yên Bái cần phải năng động, huy động các nguồn lực để đầu tư theo kịp sự thay đổi của công nghệ, thị trường, hoạt động kinh doanh có lãi, có khả năng cạnh tranh, trở thành ngọn cờ đầu về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng Tây Bắc; Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của địa phương; Liên minh hợp tác xã tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, củng cố, đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động theo hướng tinh gọn và hiệu quả; tăng cường kết nối, tư vấn, cung ứng dịch vụ cho thành viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn hỗ trự, cung ứng dịch vụ công cho hợp tác xã; tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã  của tỉnh.

(Theo infonet)