Khát vọng Tú Lệ - Bài cuối: Du lịch cất cánh

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/12/2020 | 7:42:02 AM

YênBái - Mấy năm trước, nói đến Tú Lệ, nhiều người chỉ coi đây là mảnh đất đầy tiềm năng về du lịch. Nhưng hôm nay, đất ở trung tâm xã là "tấc đất, tấc vàng". Nhiều nhà hàng, nhà nghỉ, resort cao cấp được đầu tư xây dựng, đưa Tú Lệ trở thành điểm du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng lý tưởng.

Đường dây trượt dài 1,2 km tại Khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ là đường trượt dài nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại.
Đường dây trượt dài 1,2 km tại Khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ là đường trượt dài nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại.


Mấy năm trước, nói đến Tú Lệ, nhiều người chỉ coi đây là mảnh đất đầy tiềm năng về du lịch. Nhưng hôm nay, Tú Lệ trở thành địa phương có ngành du lịch phát triển nhất các xã khu vực phía Tây của tỉnh. Đất ở trung tâm xã là "tấc đất, tấc vàng”, nên được nhiều người ở khắp nơi săn tìm. Nhiều nhà hàng, nhà nghỉ, resort cao cấp được đầu tư xây dựng, đưa Tú Lệ trở thành điểm du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng lý tưởng.

Tú Lệ đẹp nhất giữa mùa thu khi lúa chín vàng. Đẹp từ những mảnh ruộng trên sườn núi đá, những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ cheo leo thoáng ẩn thoáng hiện giữa lưng núi. Đứng trên đèo Khau Phạ, sau cơn mưa, những đám mây bay là là dưới thung lũng, tạo cho Tú Lệ một vẻ đẹp mê hoặc. Đỉnh dốc đầu vào trung tâm xã là một trong những địa điểm để ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Tú Lệ. Mùa thu, hơi lạnh tỏa ra từ ba ngọn núi: Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. 

Sau mùa gặt thì du lịch ở Tú Lệ có gì? Trước đây, trả lời câu hỏi đó, quả thực là rất khó đối với chính quyền địa phương, nhưng đây lại chính là chìa khóa để Tú Lệ cất cánh vươn lên tầm cao mới. Trao đổi với Tổng Quản lý Khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ - anh Nguyễn Đình Thông, là một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, anh cho biết: "Hiện nay, bất kể ngày nào trong năm Tú Lệ đều có những điều thú vị để du khách trải nghiệm: tắm suối khoáng; khám phá văn hóa đồng bào dân tộc; thưởng thức ẩm thực địa phương. Đặc biệt, đến với Le Champ, du khách sẽ được cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp theo tiêu chuẩn 4 sao và thỏa mình chinh phục các trò chơi mạo hiểm như: leo vách núi; đi dây trên cao, đường dây trượt dài 1,2 km chạy qua suối Nậm Lùng”. 

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tú Lệ - Bùi Thị Doan: để khám phá trọn vẹn Tú Lệ, du khách cần ít nhất 3 ngày 2 đêm. Hành trình ngày đầu tiên có thể bắt đầu vào buổi chiều tham quan đèo Khau Phạ (sừng trời) cách trung tâm xã khoảng 20 - 30 phút đi xe ô tô hoặc xe máy. Đèo Khau Phạ được xem là một trong "tứ đại đỉnh đèo” của miền núi Tây Bắc nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển. Đèo cũng là nơi tổ chức lễ hội dù lượn, ngắm mùa vàng Mù Cang Chải. 

Thời điểm này, lễ hội dù lượn kết thúc; dù vậy, du khách vẫn có thể leo lên các đài quan sát và ngắm các thửa ruộng bậc thang. Buổi chiều, về phòng nghỉ ngơi hoặc lang thang trong chợ xã để mua đặc sản địa phương, ăn tối. 

Ngày thứ 2, một trong những trải nghiệm "nhất định phải thử” khi đến Tú Lệ là "tắm tiên” tại suối khoáng nóng. Bể tắm rộng, nước ấm khoảng 35oC, là nơi các cô gái Thái và người dân trong vùng thư giãn sau một ngày lao động vất vả. Buổi chiều, đi tham quan động Tiên Nữ nằm gần trung tâm xã. 

Ngày thứ 3, du khách có thể trải nghiệm tắm suối khoáng, check-in bể bơi vô cực... tại Le Champ Tú Lệ - khu nghỉ dưỡng đầu tiên tại Tú Lệ. Resort mới khai trương với 34 phòng giá từ 2,5 triệu đồng/đêm và 24 giường dorm. Khu vực tắm khoáng gồm 1 bồn nước nóng lớn để ngâm chân, khu vực tắm khoáng ngoài trời và 10 phòng tắm riêng. 

Sau 2 năm làm việc ở Tú Lệ, anh Nguyễn Đình Thông - Tổng Quản lý Khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ đã có cái nhìn thấu đáo với sự phát triển du lịch của Tú Lệ. Theo anh, người dân bản địa rất chân thật, mến khách. Đặc biệt, con gái Thái ở đây rất đẹp, nhưng cách làm du lịch ở đây còn mang tính tự phát, manh mún, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa người dân với nhau và người dân với doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Theo anh Thông, người dân phải liên kết với nhau tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch hoàn chỉnh; trong đó, phải có sự giúp đỡ, định hướng của chính quyền địa phương. Đây cũng chính là những vấn đề được Đảng ủy, chính quyền xã Tú Lệ đặc biệt quan tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đảng ủy xã cũng đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch cộng đồng, trước tiên làm điểm tại thôn Phạ Dưới. 

Thôn Phạ Dưới nằm trọn trong cánh đồng nếp tan và toàn thôn có 92 hộ, 100% người dân tộc Thái. Với quan điểm làm sạch môi trường trước khi làm du lịch, mới đây thôn Phạ Dưới đã ra mắt xây dựng bản văn hóa và thực hiện thắp sáng 100% các tuyến đường thôn. 

Có 90% người dân thôn Phạ Dưới thực hiện di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm nhà sàn, trồng các tuyến đường hoa, khôi phục nghề dệt thổ cẩm; qua đó, thu hút du khách đến trải nghiệm không gian văn hóa, ẩm thực, cảnh quan thiên nhiên. 

Bên cạnh đó, các sản phẩm đặc trưng của Tú Lệ cũng được quan tâm phát triển như: thổ cẩm, cốm; đặc biệt là gạo nếp tan Tú Lệ. Chủ tịch UBND xã Tú Lệ, ông Lò Văn Thức cho biết, toàn xã hiện có trên 100 ha đất ruộng canh tác lúa nếp quý này mà bà con nơi đây hay gọi là nếp tan. Trong thung lũng Tú Lệ, lúa nếp tan được gieo trồng ở bản Phạ Trên (trời cao) và Phạ Dưới (trời thấp) bởi tại hai thôn này cho chất lượng nếp thơm ngon nhất. Do được trồng trên những cánh đồng màu mỡ, cho nên nếp Tú Lệ có nhiều đặc tính quý là cơm ngon, dẻo lâu, vị đậm, ngậy; đặc biệt, cốm nếp có hương thơm ngào ngạt mang đặc trưng riêng. 

Nghệ nhân Lò Văn Quy - Trưởng thôn Phạ Dưới cho biết: "Giống lúa nếp ở đây đã được trồng từ rất lâu rồi! Trước đây, người dân trồng chủ yếu để làm cốm và thổi xôi. Nhưng hiện nay, do nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, người dân đã sản xuất để bán và hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Gia đình tôi có 4.000 m2 trồng lúa nếp tan, bình quân thu về gần 2 tấn. Điều đáng mừng là, đến kỳ thu hoạch có thương lái đến tận nơi thu mua với giá 18.000 đồng/kg thóc, 40.000 đồng/kg gạo, thu nhập gấp hơn 3 lần so với trồng lúa khác. Hằng năm, chúng tôi được cán bộ khuyến nông đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh cho lúa”.

Với những khó khăn đặc trưng, tưởng chừng khó phát triển, nhưng với nỗ lực của mình, nhiều năm qua, tiềm năng của Tú Lệ đã và đang được đánh thức. Đây không chỉ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, mà còn là động lực để Tú Lệ tiếp tục khẳng định lộ trình phát triển khi biết vượt qua khó khăn, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh trong hành trình xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao đặc biệt khó khăn.

Anh Dũng