Yên Bái: Đồng bộ 6 lĩnh vực cải cách hành chính

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/1/2021 | 7:55:53 AM

YênBái - Mục tiêu phấn đấu năm 2021 là duy trì và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) tăng từ 2 bậc trở lên so với năm 2020.

Một trong 6 nhiệm vụ quan trọng là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. (Trong ảnh: Người dân huyện Văn Yên giải quyết công việc tại Bộ phận Phục vụ hành chính công huyện).
Một trong 6 nhiệm vụ quan trọng là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. (Trong ảnh: Người dân huyện Văn Yên giải quyết công việc tại Bộ phận Phục vụ hành chính công huyện).

Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành và các cấp ủy, chính quyền, người dân, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Yên Bái những năm qua thu được nhiều kết quả.

Mục tiêu phấn đấu năm 2021 là duy trì và nâng cao Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) tăng từ 2 bậc trở lên so với năm 2020; nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đạt trên 90%; Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) có 50% các chỉ số thành phần được đánh giá từ trung bình cao trở lên; phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) tăng từ 2 đến 4 bậc so với năm 2020. 

Nhiệm vụ đặt ra đối với tỉnh, các sở, ngành và các địa phương trong năm nay là tiếp tục phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả 6 lĩnh vực công tác CCHC.

Để thực hiện mục tiêu trên, các sở, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện tốt Kế hoạch số 237 ngày 22/12/2020 của UBND tỉnh về triển khai công tác CCHC Nhà nước năm 2021. Theo đó, người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương phải tiếp tục xác định công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. 

Nội dung CCHC phải được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp và biện pháp tổ chức thực hiện trên tinh thần thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá hiệu quả, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu. 

Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức tốt việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết quả thực hiện công tác CCHC nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng của công tác CCHC. 

Công khai các quy định, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức để người dân tham gia giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những sai phạm của tổ chức, cá nhân có hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC)… 

Tỉnh tiếp tục quan tâm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc thẩm quyền đảm bảo tính hợp hiến, theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và những quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp điều hành của hệ thống, phấn đấu tỷ lệ trao đổi văn bản đi, đến được xử lý theo quy trình của phần mềm quản lý công văn, điều hành giữa các cơ quan hành chính Nhà nước đạt 100%. 

Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các TTHC không còn phù hợp, gây vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử đối với việc giải quyết từng TTHC. Công bố đầy đủ, kịp thời danh mục TTHC hoặc công bố TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ. Công khai các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. 

Tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã; rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các TTHC để tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. 

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp, theo hướng hiệu quả, phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên, tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC.

Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. 

Cùng với đẩy mạnh các giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiếp tục thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7/10/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng Chính quyền điện tử gắn với xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở tuân thủ Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh và Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh đã được phê duyệt, cập nhật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ điện tử, phấn đấu đạt 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử... 

6 lĩnh vực CCHC cần tập trung là: cải cách tổ chức bộ máy, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ công; đẩy mạnh cải cách TTHC, giảm phiền hà, thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đình Tứ