Mùa xuân và tình yêu trong dân ca Thái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/1/2021 | 11:10:43 AM

YênBái - Khi xuân về, hoa ban, hoa mận, hoa đào nở khắp vùng Tây Bắc cũng là lúc các dân tộc nơi đây tưng bừng mở hội. Hình ảnh thiếu nữ dân tộc Thái với chiếc áo cỏm mềm mại, váy nhung huyền căng tràn sức trẻ, thướt tha như bước ra từ trong câu chuyện cổ. Những điệu xòe cổ như đưa ta về thuở hồng hoang với những câu khắp, những bài dân ca, say đắm lòng người.

Hát dân ca trên sàn Hạn Khuống ở Mường Lò.
Hát dân ca trên sàn Hạn Khuống ở Mường Lò.

Chúng tôi đến xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cũng là lúc bắt đầu mùa lễ hội. Câu hát mời gọi đưa chân du khách cuốn vào vòng xòe. Bên ánh lửa hồng, đôi má em gái Thái hây hây, tay mềm mại trong tay, cả đất trời uyển chuyển, đắm say trong vòng xòe bất tận. Những nhịp xòe nồng say rộn ràng ánh lửa, những cần rượu thơm lừng mời gọi và không thể thiếu giai điệu mượt mà những làn điệu dân ca như: Xống trụ xôn xao, Tiễn dặn người yêu... 

"Các làn điệu dân ca của người Thái Tây Bắc nói chung, vùng Mường Lò nói riêng là kết tinh của thực tế cuộc sống, phản ánh đầy đủ, chân thực về nhân sinh quan và thế giới quan trong quá trình xây dựng và phát triển xã hội, thể hiện ước vọng, trách nhiệm về một ngày mai tươi sáng hơn. Nhiều bài dân ca hát hội hè, hát nghi lễ và cũng còn nhiều bài dân ca trong sinh hoạt; hát ru, hát đồng dao, hát lao động, hát giao duyên, hát đám cưới…” - Nghệ nhân dân gian Điêu Thị Xiêng chia sẻ. 

Ở tuổi 72 nhưng bà Lường Thị Hươi, xã Nghĩa An vẫn hăng say tham gia biểu diễn văn nghệ và thường được mời tham gia biểu diễn trong các chương trình mừng Đảng, mừng xuân… Bà Hươi hiện là một trong số hiếm người có giọng ca hát khắp Thái hay và thể hiện được hầu hết các làn điệu khắp Thái, nhất là những làn điệu khó như: hát hắn nê; hát hà ơi… Bài khắp không chỉ để biểu diễn mà cả bằng tình yêu và lòng đam mê của mình. 

Bà Hươi bảo, thời đó, con trai, con gái chỉ biết làm đồng, lên nương nên người Thái rất chờ mong đến tết để cùng đi hội xuân. Tối ngồi bên mâm rượu hát điệu Khắp "Xao xên” mời lẩu, từng đôi, từng cụm, họ mời nhau uống cạn chén rượu tình. 

Rồi bà Hươi hát: "Đôi tay dài thon búp riềng em mời. Người ơi! Rượu này rượu thắm men nồng, men ngọt! Đừng ngờ lòng dám nâng rượu men đắng xên nàng ơi!”. 

Vui nhất là hội xòe và hát dân ca. Đó còn là dịp cho các đôi nam nữ tự tình. Tiếng hát của họ vô tư lắm. Họ hát để chia sẻ những niềm vui, nỗi niềm trong cuộc sống, họ hát để nên vợ, nên chồng: "Nàng ơi! Nàng ơi! Nàng đến lối nào? Nàng đến lối thuyền. Thì anh hỏi thăm đến cá. Nàng ơi! Nàng đến lối ruộng. Thì anh hỏi thăm đến lúa. Ới em! Nàng ơi! Nàng ơi!”.

Dưới ánh trăng non, hoa ban trắng bạc ánh lên một màu tinh khiết giữa màu xanh đậm đặc của núi rừng, các cô gái Thái trong chiếc áo cỏm bó gọn làm nổi bật thân thể mềm mại, trẻ trung lấp lánh hàng khuy bạc tuyệt vời mải mê hát giao duyên cùng những chàng trai. Và rồi, bên dòng suối trong mát, những con thuyền độc mộc chở những lứa đôi trôi giữa tiếng sáo trúc và những câu dân ca Thái mênh mang. 

Các đôi uyên ương tặng nhau những tấm vải gối thêu công phu, những chiếc vòng đeo tay bằng bạc, những chiếc khăn tay thổ cẩm tự đan chứa đựng bao nhiêu tình cảm nhớ mong… Một mùa xuân mới lại đến, thầm mong rằng, Mường Lò được ví như cô gái Thái đẹp, dịu dàng, duyên dáng như lời dân ca: "Mỗi bước xòe lúa giục trổ bông, nhen lửa mỗi bếp nhà sàn ấm áp”. 

Người con gái Thái đằm thắm trong điệu khắp bên cánh hoa ban trắng và những làn điệu dân ca Thái say đắm lòng người… đã tạo nên bức tranh đẹp thật đẹp, sáng thật sáng, trong thật trong… mời gọi du khách đến với Mường Lò xuân này! Còn chúng tôi, xuân năm nay, chắc chắn là phải đến nơi đây – bên những lời ca, tiếng hát, vẻ đẹp duyên dáng của những cô gái, nét khỏe mạnh, cường tráng của những chàng trai để mà chếnh choáng men say nồng đượm nơi vùng cao vào xuân!

Ngọc Sơn