Mù Cang Chải: Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/1/2021 | 11:20:34 AM

YênBái - Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, phương thức chăn nuôi của nhân dân đã có những chuyển biến tích cực.

Trang trại dê của gia đình ông Chang Sông Lử ở bản Dế Xu Phình A, xã Dế Xu Phình.
Trang trại dê của gia đình ông Chang Sông Lử ở bản Dế Xu Phình A, xã Dế Xu Phình.

Người dân chú trọng đến việc làm chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm..., đưa tổng đàn gia súc chính của huyện tăng trên 20%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 30,8% so với trước.

Đồng chí Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải trao đổi: "Ngay sau khi Đề án Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2016 - 2020 được ban hành, Huyện ủy Mù Cang Chải đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội huyện phối hợp với đảng ủy, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tới các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn huyện. 

UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn trong ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án cụ thể của từng năm; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện làm chuồng trại chăn nuôi, dự trữ và trồng thức ăn cho gia súc. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đảm bảo đúng yêu cầu của các chương trình, dự án và đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân...”. 

Cùng với công tác tuyên truyền, huyện đã chỉ đạo xây dựng được 50 mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa (năm 2016 xây dựng được 11 mô hình, năm 2017 xây dựng được 2 mô hình, năm 2018 xây dựng được 5 mô hình, năm 2019 xây dựng được 4 mô hình). 

Trong đó, có 28 mô hình chăn nuôi trâu bò từ 10 con trở lên, 8 mô hình chăn nuôi dê, 5 mô hình chăn nuôi lợn và 5 mô hình chăn nuôi gà. Hỗ trợ 201 hộ nghèo chăn nuôi lợn thịt 3 con/lứa; hỗ trợ 145 con trâu sinh sản cho 145 hộ nghèo; hỗ trợ 36 con bò giống sinh sản, 1.260 con dê sinh sản giống địa phương, 978 con lợn sinh sản giống địa phương, 760 con lợn thịt giống địa phương, 26.450 con giống gia cầm các loại... 

Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển chăn nuôi trong 3 năm 2016 - 2019 là 16.714,676 triệu đồng, trong đó Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 năm 2016 - 2017 đã thực hiện hỗ trợ 13.422,676 triệu đồng. 

Ông  Chang Sông Lử ở bản Dế Xu Phình A, xã Dế Xu Phình cho hay: "Năm 2016, gia đình tôi được hỗ trợ giống dê, bò, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc, làm chuồng trại, trồng cỏ voi dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông... Vì vậy, đàn gia súc của gia đình phát triển khá nhanh. Hiện nay, gia đình có 71 con gia súc, trong đó trâu 4 con, bò 5 con, lợn 17 con và trang trại dê gần 50 con. Thu nhập hàng năm của gia đình đạt khoảng 350 triệu đồng/năm, làm được nhà ở mua được mấy cái xe máy làm phương tiện đi lại, mua ti vi, tủ lạnh để phục vụ cuộc sống tốt hơn trước nhiều...”. 

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa huyện Mù Cang Chải, tuy thời tiết trên địa bàn huyện có nhiều diễn biến phức tạp, mưa lũ, rét đậm, rét hại kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng ngành chăn nuôi vẫn đạt được những kết quả khả quan. Tổng đàn gia súc chính năm 2020 đạt trên 75.000 con, tăng trên 20% so với trước, vượt mục tiêu của Đề án đến năm 2020; tổng sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đạt trên 3.000 tấn, tăng 30,8% so với trước, đạt 100% mục tiêu của Đề án. 

Hiện, trên địa bàn huyện có 771 hộ chăn nuôi trâu bò từ 5 con trở lên; 1.170 hộ chăn nuôi lợn từ 10 con trở lên; 255 hộ chăn nuôi gia cầm từ 50 con trở lên, trong đó có 9 cơ sở chăn nuôi gia cầm từ 1.000 con trở lên; 58 hộ chăn nuôi dê từ 10 con trở lên...  Phương thức chăn nuôi của người dân đang dần được chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa.

Cao Chính