Ý nghĩa lịch sử của Ngày Bác Hồ về nước

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/1/2021 | 7:49:33 AM

YênBái - Rời Tổ quốc tìm đường giải phóng dân tộc vào mùa hè năm 1911 từ một cửa biển phía Nam, để rồi đến năm 1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mới trở về sau 30 năm bôn ba bắt đầu từ địa đầu núi rừng phía Bắc Tổ quốc.

Bức tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28/1/1941.
Bức tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28/1/1941.

30 năm là một chặng đường dài với biết bao cuộc trường chinh qua các đại dương và lục địa, ghi nhận sự trưởng thành của một con người về tuổi đời, về nhận thức, tư tưởng, từ thân phận nô lệ trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên cường và sáng tạo. Nhưng điều có ý nghĩa vô cùng sâu sắc là sự trưởng thành đó gắn liền với vận mệnh của đất nước.

"Hữu chí tất thành” (có chí thì nên). Tuổi trưởng thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang cái tên đầy ý nghĩa và Người đã không phụ lòng mong mỏi và niềm hy vọng của người cha kính yêu của mình và của cả thế hệ người đi trước. Nhưng so với các thế hệ tiền bối, con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành có khác. 

Không Đông du theo tiếng gọi của các sĩ phu, Nguyễn Tất Thành đã thực hiện chuyến Tây du - một con đường chưa được khám phá nhưng ở đấy là đất nước của kẻ đang "khai phá văn minh” cho An Nam. Hành trang cứu nước của Người là lòng yêu nước nồng nàn, truyền thống ham học, ý chí kiên cường, sẵn sàng vượt khó vượt khổ vì độc lập của đất nước, tự do của nhân dân... 

Với hai bàn tay trắng và lòng quyết tâm sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Người đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi áp bức nô lệ: con đường cách mạng vô sản. Tháng 7/1920, qua Báo Nhân đạo (L'Humanité) Pháp, được đọc Luận cương của V.I. Lê-nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Nguyễn Tất Thành, khi ấy đã lấy tên là Nguyễn Ái Quốc vui mừng đến phát khóc: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!

Sau khi tìm được con đường đúng đắn để cứu nước, giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Đặc biệt, Người không ngừng xúc tiến việc tìm đường trở về nước như nguyện ước lúc Người ra đi từ bến cảng Nhà Rồng.

Ngày 28/1/1941 (mồng 2 tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc về nước. Mảnh đất Pác Bó (Cao Bằng) - nơi có địa thế hiểm trở, núi non hùng vĩ, quần chúng nhân dân đã được giác ngộ kiên cường tranh đấu, trung thành với Đảng, với cách mạng, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cách mạng được Người chọn làm nơi đặt cơ quan chỉ đạo phong trào cách mạng và tiếp tục tạo ra những nhân tố quan trọng, cần thiết để đưa cách mạng đến thành công.

Chúng ta còn nhớ năm 1930, Người thống nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam và tổ chức hội nghị thành lập, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là nhân tố đầu tiên, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đó cũng là sáng tạo lớn đầu tiên của Người. 

Hơn mười năm sau, khởi điểm từ mùa xuân Tân Tỵ năm 1941 tại Pác Bó cho đến tháng 8/1945, Người đã thực hiện "ba sáng tạo” lớn tiếp theo sau khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là: sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất (Mặt trận Việt Minh); sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân (Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân); sáng lập chính quyền của nhân dân (Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc).

Từ ngày 8/2/1941, Nguyễn Ái Quốc với bí danh Già Thu đến ở hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là hang Đầu Nguồn). Phía dưới, cách cửa hang chừng 50 mét có con suối nước rất trong được Người đặt tên là "Suối Lê-nin”. Một ngọn núi cao bên bờ suối được Người đặt tên là "Núi Các Mác”. Những cái tên thể hiện tư tưởng, mục tiêu, đường lối và niềm tin của Người vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Ở Pác Bó, Bác Hồ đã sống những năm tháng vô cùng khó khăn, thiếu thốn với "cháo bẹ, rau măng” nhưng tràn đầy niềm tin, lạc quan cách mạng. 

Tại đây, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941)- hội nghị đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược của Đảng ta. Điểm nổi bật của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 là việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và vấn đề giai cấp. Hội nghị chủ trương: "Trong lúc này khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật... nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Cũng tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc liên tiếp mở lớp huấn luyện về tổ chức, vận động, chuẩn bị thành lập Mặt trận Việt Minh. Và chính Người đã chỉ đạo soạn thảo các văn kiện của Việt Minh như: Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ. Bản Chương trình cứu nước của Việt Minh gồm có 44 điều cụ thể về các chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, chính sách đối với các tầng lớp nhân dân, chính sách xã hội, chính sách ngoại giao để thực hiện hai điều cơ bản mà toàn thể đồng bào mong ước là làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dân Việt Nam được hưởng sung sướng tự do. Các chương trình vừa ích nước vừa lợi dân như vậy, đã được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. 

Mặt trận Việt Minh đã lôi cuốn, tập hợp sức mạnh quần chúng cả nước để đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Mặt trận Việt Minh đã góp phần quyết định sự thành công của Cách mạng Tháng Tám và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn, giữ vai trò người cầm lái con tàu cách mạng vượt qua bão táp để cập bến độc lập tự do. Việt Minh là sự sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc kết hợp với truyền thống đoàn kết "muôn người như một” từ bao đời của ông cha.

Cùng với việc xây dựng Mặt trận Việt Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung chỉ đạo việc tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng làm nơi đứng chân để xây dựng lực lượng, tích lũy lương thực, súng đạn, chuẩn bị tiền đề vật chất cho tổng khởi nghĩa cách mạng giành chính quyền. Dưới sự trực tiếp chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ tháng 6 đến tháng 8/1941, Đảng bộ Cao Bằng đã cử 70 cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài. 

Đây là những hạt giống quân sự đầu tiên của căn cứ địa Cao Bằng, sau này là Cao - Bắc - Lạng và khu giải phóng trong tổng khởi nghĩa cách mạng Cao - Bắc - Lạng. Bắt đầu từ căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn, Võ Nhai, chỉ sau một thời gian ngắn đã phát triển thành cả một vùng rộng lớn bao gồm sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang.

Theo lời Bác dặn, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay ra đời, tạo ra một cục diện mới trên mặt trận đấu tranh vũ trang cách mạng. 

Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng rất súc tích bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta: vấn đề kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng võ trang cách mạng, phương châm xây dựng ba thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng võ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng võ trang.

Có thể nói, từ mùa xuân 1941, Bác Hồ trở về nước, Đảng ta và phong trào cách mạng do Bác trực tiếp chỉ đạo mới thật sự thực hiện được một chiến lược lớn là đặt cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đứng về phe Đồng minh chống phát-xít. Cũng từ Cao Bằng, cách mạng Việt Nam đã liên lạc với lực lượng Đồng minh, được phe Đồng minh ủng hộ. 

Đó là cơ sở thực tế và pháp lý quốc tế quan trọng để đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và tuyên bố trước toàn thế giới: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và tiếp tục mở đường đi tới những thắng lợi huy hoàng cho cách mạng Việt Nam. 

Từ mùa xuân ấy, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo đã chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Để rồi đến mùa xuân 1975 hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Giờ đây, thế giới đến với Việt Nam không chỉ vì nhân dân Việt Nam đã từng dũng cảm đấu tranh giành độc lập, tự do, mà còn vì một Việt Nam đã và đang quyết tâm đổi mới - đổi mới thành công và có những đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Những thành tựu đạt được càng khẳng định tính đúng đắn trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước ta theo con đường mà Bác Hồ đã chọn, hợp lòng dân, hòa được cùng xu thế của thời đại.                                                                                                            
B.T