Đại hội của niềm tin, khí thế và động lực mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/2/2021 | 7:50:31 AM

YênBái - Những ngày qua, nhân dân cả nước tưng bừng, hân hoan chào đón sự kiện chính trị đặc biệt: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thành công của Đại hội XIII đã mở ra nhiều cơ hội mới, niềm tin mới và kỳ vọng mới cho tương lai của đất nước.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, nỗ lực, sáng tạo nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật, tạo tiền đề cho những nhiệm kỳ tiếp theo. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. 

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống". Sự thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. 

Đặc biệt, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước, nhưng nhờ phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch Covid-19; từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội; ổn định đời sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta...

Sau 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên (nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm). Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt (nếu như năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm). Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao (GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 6%/năm); tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. 

Trong bối cảnh thế giới có nhiều khủng hoảng, đặc biệt năm 2020, nhiều quốc gia tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Việt Nam được đánh giá là 1 trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. Những dấu ấn về kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng đã tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân.

Công tác chuẩn bị Đại hội được tổ chức bài bản và khoa học. Các tiểu ban theo sự phân công đã thực hiện tốt các công việc được giao. Các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện để trình Đại hội. Công tác tổ chức phục vụ Đại hội XIII của Đảng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị sớm với yêu cầu cao; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XIII đã chỉ đạo chặt chẽ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể; các ban, bộ, ngành và thành phố Hà Nội đã bám sát các nhiệm vụ được phân công, chủ động, trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các công việc được giao nhằm phục vụ tốt nhất cho Đại hội XIII của Đảng…

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2020); 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, thành lập nước. Đại hội có chủ đề: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa". 

Nhìn tổng quát, chủ đề Đại hội lần này bắt đầu từ việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đến động lực thúc đẩy phát triển, phương thức phát triển và hệ mục tiêu. Chủ đề đã phản ánh được nội dung, nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta từ nay đến giữa thế kỷ XXI. Chủ đề Đại hội XIII có sự kế thừa kinh nghiệm, bài học chủ đề các đại hội trước đây; đồng thời, có sự bổ sung, phát triển những luận điểm mới phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và thời đại trong bối cảnh mới… đã khẳng định vị thế, vai trò, nhiệm vụ của Đảng và hệ thống chính trị, gắn "xây dựng” với "chỉnh đốn”; giữa Đảng và hệ thống chính trị. 

Chủ đề lần này đặt ra yêu cầu "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” là có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải hướng tới trong sạch, vững mạnh. Chỉ khi Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh mới có khả năng dẫn dắt đất nước, dân tộc đạt được những mục tiêu đã đề ra. Về các động lực phát triển đất nước, chủ đề Đại hội XIII có những nội dung rất mới, lần đầu tiên được đưa vào chủ đề Đại hội như: "phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”.

 Chủ đề Đại hội lần này cũng phản ánh được phương thức của sự phát triển trong thời gian sắp tới là: "đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Những phương thức này gắn với đặc điểm của thời đại, đó là sự phát triển của khoa học - công nghệ, toàn cầu hóa. Mục tiêu phát triển: chủ đề khẳng định hệ mục tiêu phát triển đất nước gồm: "bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, "giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”; "phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. So với các đại hội trước đây, điểm khác biệt rõ rệt là mục tiêu "phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được nhấn mạnh rất rõ ràng.

Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản và chặt chẽ, đặc biệt chú trọng về chất lượng trên cơ sở bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn và được thực hiện theo phương châm: làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó.

 Quy trình nhân sự được tiến hành theo các bước chặt chẽ, kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; đồng thời, được cụ thể hoá cho cả tái cử, lần đầu tham gia và theo từng nhóm đối tượng chức danh. Việc chuẩn bị, giới thiệu và bầu cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thực sự dân chủ, khách quan, công tâm, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc và của nhân dân lên trên hết, trước hết. Đồng thời, khẳng định quyết tâm chính trị cao trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm”; không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển, có tín nhiệm cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị nhân sự, tại các hội nghị Trung ương lần thứ 13, 14 và 15, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách nhân sự đề cử để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xem xét, bầu cử theo quy định. Chính vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã bảo đảm chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; bảo đảm sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ. Đây chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo cho con đường cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, hướng tới sự đột phá đi lên của đất nước trong tương lai không xa.

Với những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ khóa XII, với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bài bản và chặt chẽ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rực rỡ, với niềm tin, khí thế và động lực mới!
Thiên Cầm