Trấn Yên: Bứt phá kinh tế nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/3/2021 | 7:48:38 AM

YênBái - Trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, huyện Trấn Yên đã bứt phá phát triển nông - lâm nghiệp và thủy sản. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành năm 2020 đạt 1.417 tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 6,7%/năm, khẳng định vai trò là của một trong những trụ cột phát triển kinh tế…

Một mô hình chăn nuôi gà thương phẩm theo chuỗi giá trị xã Vân Hội mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một mô hình chăn nuôi gà thương phẩm theo chuỗi giá trị xã Vân Hội mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để đạt được kết quả trên, các địa phương đã tập trung đầu tư thâm canh và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa, cây màu, cây chè kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao hơn. An ninh lương thực được bảo đảm, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 25.300 tấn. 

Huyện đã quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có thế mạnh theo hướng mở rộng quy mô diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, tạo ra sản phẩm theo nhu cầu của thị trường với khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường. 

Trong đó, vùng trồng dâu nuôi tằm 900 ha, tăng 676 ha so với năm 2015, sản lượng kén tằm đạt trên 1.000 tấn, tăng 700 tấn so với năm 2015; vùng tre măng Bát độ 3.500 ha, tăng 1.900 ha, sản lượng măng tươi khai thác đạt 70.000 tấn, tăng 50.400 tấn; vùng cây ăn quả có múi 762 ha, tăng 553 ha; vùng quế trên 16.000 ha, tăng 5.600 ha, trong đó, xây dựng vùng quế an toàn theo hướng hữu cơ đạt 7.000 ha, 2.000 ha đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia đầu tư phát triển và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hướng tới nền nông nghiệp bền vững, giá trị cao như chuỗi liên kết phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm măng Bát Độ; trồng dâu - nuôi tằm và chế biến kén tằm; chăn nuôi gà thương phẩm; sản xuất quế hữu cơ... 

Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Trấn Yên đã quan tâm chỉ đạo phát triển đàn gia súc, gia cầm và nguồn lợi thủy sản. Huyện vận dụng linh hoạt, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân mở rộng quy mô, hình thành nhiều cơ sở chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. 

Trong 5 năm qua, huyện đã hỗ trợ phát triển mới 402 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, nâng tổng số lên 618 cơ sở; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 9.000 tấn, tăng gần 3.000 tấn so với năm 2015; sử dụng có hiệu quả diện tích 430 ha ao hồ, chuyển đổi 65,8 ha đất ruộng kém hiệu quả sang nuôi cá, sản lượng thủy sản các loại đạt 1.700 tấn, tăng 508 tấn so với năm 2015. 

Công tác trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng cũng được thực hiện tốt, đưa kinh tế rừng trở thành mũi nhọn, hằng năm khai thác và chế biến trên 100.000 m khối gỗ, giá trị đạt trên 150 tỷ đồng, diện tích trồng rừng thay thế bình quân đạt trên 2.000 ha/năm, tỷ lệ che phủ rừng đạt 70%, đạt so với mục tiêu nghị quyết đề ra. 

Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được tập trung chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, phương pháp, cách làm bài bản, khoa học, chắc chắn trong quá trình triển khai thực hiện. 

Do đó, nhận thức của người dân về XDNTM có chuyển biến rõ nét, việc tham gia XDNTM mới từ yêu cầu đã trở thành nhu cầu của người dân. Trong 5 năm, toàn huyện đã huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nội lực trong dân. 

Cụ thể, đã huy động được trên 5.466 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trên 1.618 tỷ đồng, chiếm 29,6%; nhân dân đóng góp 552 tỷ đồng, chiếm 10,1%; các nguồn vốn khác là trên 3.295 tỷ đồng, chiếm 60,3%; nhân dân đã hiến trên 50 ha đất để làm đường và các công trình công cộng. 

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, diện mạo nông thôn Trấn Yên đã thay đổi tích cực, ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 36,8 triệu đồng/người/năm, tăng 11,8 triệu đồng so với năm 2015. 

Kết cấu hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, sản xuất theo hướng hàng hóa có sự liên kết chặt chẽ giữa tổ hợp tác, HTX với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; hệ thống chính trị được kiện toàn sắp xếp tinh gọn, hiệu quả hơn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. 

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM của huyện Trấn Yên đã vượt xa với Nghị quyết đề ra, là điểm sáng của tỉnh Yên Bái. Toàn huyện có 20/20 xã đạt chuẩn NTM, trong nhiệm kỳ có 5 xã đặc biệt khó khăn xây dựng xã đạt chuẩn NTM, 2 xã cơ bản hoàn thành xã NTM kiểu mẫu, 38 thôn đạt tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu và huyện Trấn Yên là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái và khu vực Tây Bắc đạt chuẩn NTM.

Thanh Phúc