Rủi ro và hệ lụy từ xuất cảnh trái phép

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/3/2021 | 7:49:13 AM

YênBái - Mong muốn có một việc làm ổn định, thu nhập cao đó là ước mơ chính đáng của tất cả mọi người. Thay vì làm giàu trên quê hương, nhiều người dân lại tìm cách xuất cảnh trái phép với giấc mơ về một cuộc sống nhàn hạ, sung sướng. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa với những gì họ mong muốn ở nơi xứ người.

Cán bộ Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh tuyên truyền, vận động người dân không xuất cảnh lao động trái phép.
Cán bộ Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh tuyên truyền, vận động người dân không xuất cảnh lao động trái phép.

Năm 2015, với hy vọng có một công việc nhẹ nhàng, lại thu nhập cao, anh Đinh Văn Điệp, trú tại thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn đã tìm cách xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động làm thuê. 

Trái với những gì anh tưởng tượng, đó là quãng thời gian anh phải lao động hết sức vất vả, cơ cực. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, phải sống chui lủi, bị đánh đập và quỵt cả tiền công. Anh và nhóm bạn bị các đối tượng môi giới lừa đi làm việc ở ngoài công trường. 

Do công việc quá vất vả nên anh xin nghỉ làm. Tuy nhiên, người chủ không những không cho nghỉ, không trả lương mà còn ép anh và mọi người phải làm tăng ca và trả thêm tiền chi phí môi giới. 

Do không hiểu biết quy định pháp luật của nước sở tại, anh Điệp đã cùng anh trai là Đinh Tiên Hoàng và 3 trong nhóm bắt người quản lý giam giữ tại phòng trọ để đòi tiền công làm việc. 

Bị Công an Trung Quốc bắt giữ về tội bắt cóc và giam giữ người trái phép, Đinh Văn Điệp bị xử phạt 5 năm tù, còn anh trai Điệp bị xử phạt 11 năm tù. Sau khi chấp hành xong án phạt, Điệp trở về địa phương với hai bàn tay trắng.

Thời gian qua, tuy lực lượng công an cùng các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về những nguy cơ, hệ lụy có thể xảy ra khi xuất cảnh trái phép đi làm thuê nhưng nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tìm mọi cách vượt biên trái phép. 

Việc này, đã mang lại không ít rủi ro. Nhiều người đã bị bắt, bị giam giữ, phải trả giá bằng sức khỏe và cả mạng sống, khi trở về trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. 

Thượng tá Nguyễn Thị Kim Ngân - Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh cho biết: "Năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 88 vụ, 158 trường hợp xuất cảnh trái phép trở về địa phương; trong đó, có hơn 50 trường hợp bị bắt và trao trả về Việt Nam. Đơn vị đã triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xuất cảnh trái phép trên địa bàn; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”. 

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần phải nhận thức rõ việc xuất nhập cảnh trái phép là vi phạm pháp luật, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 ở khu vực và trên thế giới đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay. 

Các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đến đoàn viên, hội viên. Các ngành chức năng cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần có những giải pháp tích cực trong tạo việc làm cho người lao động để họ có thể làm giàu chính đáng ngay trên chính quê hương mình.

Thiên Bình - Văn Cường