Học sinh vùng cao Yên Bái phấn khởi đến trường sau tết

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/3/2021 | 3:15:45 PM

YênBái - Nếu như những năm trước, câu chuyện huy động học sinh ở vùng cao ra lớp sau kỳ nghỉ tết luôn đi kèm với những vất vả khó khăn, đôi khi cả sự bất lực của các thầy cô trước sự im lặng kéo dài khi được hỏi lý do không đến trường của những cô, cậu học trò thì nay câu chuyện huy động học sinh ra lớp sau tết Nguyên đán Tân Sửu ở vùng cao Yên Bái đã có những mảng màu tươi sáng.

Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Lang Thíp, huyện Văn Yên đọc sách tại Thư viện xanh của nhà trường (ảnh chụp trước ngày 26/1).
Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Lang Thíp, huyện Văn Yên đọc sách tại Thư viện xanh của nhà trường (ảnh chụp trước ngày 26/1).

"Sau tết Tân Sửu, Mù Cang Chải không có học sinh tảo hôn” - ông Nguyễn Anh Thủy - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mù Cang Chải phấn khởi chia sẻ. 

Những ai đã từng làm công tác giáo dục ở vùng cao chắc chắn hiểu được niềm vui ấy của ông Thủy. Bởi sau tết là mùa dựng vợ gả chồng của người Mông ở Yên Bái nói chung, Mù Cang Chải nói riêng. Nhiều năm trước, cứ sau tết các thầy cô lại rớt vài em học sinh vì các em hoặc bị ép, hoặc tự nguyện lấy chồng lấy vợ - lý do mà thầy cô có đến tận nhà vận động thế nào đi nữa thì các em không trở lại trường nhất là với các em gái. 

Không phải ngẫu nhiên mà sau tết Nguyên đán Tân Sửu, giáo dục Mù Cang Chải lại có được niềm vui ấy. Bởi đây là kết quả của quá trình tuyên truyền vận động của rất nhiều các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và sự thay đổi rất lớn của các nhà trường, đặc biệt là sự quyết liệt với nhiều giải pháp của ngành GD&ĐT huyện. 

Ông Nguyễn Anh Thủy cho biết thêm: "Trước khi cho học sinh nghỉ tết, Phòng yêu cầu các trường quán triệt nghiêm túc các yêu cầu đối với học sinh về nghỉ tết, yêu cầu học sinh cam kết ra lớp đúng thời gian. Bên cạnh đó, các trường tham mưu với chính quyền địa phương thành lập các tổ huy động học sinh ra lớp, đến tận nhà từng học sinh để tuyên truyền vận động. Đồng thời tham mưu để các xã chỉ đạo các thôn bản không tổ chức các hoạt động tập trung ăn uống, chơi tết vui xuân kéo dài như mọi năm… Nhờ đó đã thu được kết quả khả quan”. 

Theo số liệu thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải, tỷ lệ học sinh ra lớp hết tuần học đầu tiên sau tết là trên 90%, nhiều trường tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 100%, số học sinh nghỉ học đều có lý do và có cam kết ra lớp đầy đủ.

Có thể thấy, những năm gần đây, câu chuyện vận động học sinh ra lớp sau kỳ nghỉ tết đã có những tín hiệu tích cực ở nhiều địa phương. Em Vàng Thị Hà -học sinh lớp 8A, Trường PTDTBT Lang Thíp, huyện Văn Yên đã trở lại trường đúng lịch. Nhà em cách trường gần 10km nên em được ở bán trú, được hưởng đầy đủ các chế độ của Nhà nước và của tỉnh. 

Em Hà chia sẻ: "Chúng em đi học không chỉ được học kiến thức mà còn được ăn ngon hơn ở nhà, được thầy cô chăm sóc như là gia đình. Được tham gia nhiều hoạt động của nhà trường, như trước tết, nhà trường tổ chức thi nhảy dân vũ, mỗi lớp một đội vui lắm ạ! Rồi còn được gói bánh chưng mang về nhà biếu bố mẹ. Em về nghỉ tết mà háo hức trở lại trường”. 

Còn em Bàn Thị Thu - học sinh lớp 6, Trường PTDTBT Lang Thíp thì tâm sự: "Được cô giáo phân tích, em hiểu việc đi học rất quan trọng, càng học cao càng thêm hiểu biết, khi hiểu biết thì dù làm công việc gì chắc chắn cũng dễ dàng hơn ạ. Em muốn được làm mọi việc dễ dàng, không như mẹ em dù cũng được học lớp xóa mù chữ rồi nhưng giờ đọc tờ hướng dẫn sử dụng phân bón cây trồng mà dài thì cũng khó và lâu hơn”. 

Theo thống kê của Trường PTDTBT Lang Thíp, ngay trong ngày học đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 96%, những học sinh nghỉ học đều có lý do.

 Thầy Trần Ngọc Quang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nắm bắt tình hình qua giáo viên chủ nhiệm, biết được có 2 trường hợp có nguy cơ bỏ học cao là em Đặng Thị Đài - lớp 7A và em Hoàng Văn Dũng lớp 8A. Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, nhà trường đã tham mưu với UBND xã cử cán bộ và các đoàn thể cùng với nhà trường thành lập đoàn đi tuyên truyền, vận động. Đến nay, cả hai trường hợp này đã đi học trở lại”. 

Sâu sát, nắm bắt hoàn cảnh, tư tưởng của từng học sinh là biện pháp mà các giáo viên vùng cao đã thực hiện rất có hiệu quả, nhằm kịp thời nắm bắt, để định hướng tư tưởng và tuyên truyền vận động học sinh cũng như gia đình, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT các địa phương đã tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. 

Các nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm nắm chắc danh sách học sinh có nguy cơ bỏ học, đi học không chuyên cần để động viên, tìm hiểu nguyên nhân từ đó đưa ra giải pháp phù hợp, ngăn chặn nguy cơ bỏ học; bảo đảm việc giảng dạy và học tập bình thường sau tết trên tinh thần không để bất cứ một học sinh nào bỏ học sau kỳ nghỉ tết.

Thanh Ba