Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn làm việc với Hiệp hội Sắn Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/3/2021 | 5:29:49 PM

YênBái - Chiều 4/3, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Hiệp hội Sắn Việt Nam về một số nội dung sản xuất sắn bền vững trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, thời gian qua, với những lợi ích kinh tế mang lại, cây sắn đã phát triển mạnh tại một số địa phương như: Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Lục Yên, đưa Yên Bái trở thành một trong những địa phương có diện tích canh tác sắn khá của cả nước. Năm 2020, diện tích sắn toàn tỉnh đạt trên 8.700 ha, sản lượng đạt trên 171.000 tấn, năng suất đạt 19,7 tấn/ha.


Quang cảnh buổi làm việc.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp sản xuất, chế biến sắn với công suất 150.000 tấn củ tươi/năm. Năm 2020, sản lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt khoảng trên 7.220 tấn với giá trị gần 3 triệu USD, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc đối với sản phẩm tinh bột sắn. 

Ngoài tinh bột sắn, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở sản xuất sắn lát khô với sản lượng đạt khoảng 45 nghìn tấn. Sản phẩm sắn lát khô chủ yếu được các thương lái thu mua rồi xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên diện tích sắn đang giảm.

Các địa phương có diện tích sắn lớn của tỉnh cũng cho biết, vấn đề về môi trường trong sản xuất sắn đã được các doanh nghiệp xử lý tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần đổi mới công nghệ để chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm, hỗ trợ nhân dân tiếp cận giống mới cho năng suất, chất lượng cao, hỗ trợ về thâm canh, cải thiện môi trường đất…



Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng đã chỉ rõ thực trạng sản xuất sắn của cả nước, trong đó có tỉnh Yên Bái.

Tại buổi làm việc, Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng đã chỉ rõ thực trạng sản xuất sắn của cả nước, trong đó có tỉnh Yên Bái. Đó là có sự mất cân đối giữa quy mô chế biến và nguồn nguyên liệu. Do đó, để sản xuất, chế biến sắn phát triển bền vững thì điều trước tiên, tỉnh Yên Bái phải xác định vai trò, vị trí của cây sắn trong cơ cấu cây trồng, sản xuất phải đảm bảo môi trường, có sự hỗ trợ về giá đối với người trồng sắn để giữ vững diện tích sắn hàng năm đảm bảo nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Các doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ người dân, tham gia các dự án, phát triển vùng nguyên liệu, cố gắng nâng cao giá trị cây sắn, giúp người dân đảm bảo cuộc sống từ trồng sắn.



Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: tiềm năng để phát triển cây sắn của tỉnh Yên Bái là rất cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Do vậy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ngành làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với cây sắn.

Các địa phương cần có định hướng phát triển tốt cho ngành sắn, nghiên cứu giống sắn cho năng suất, sản lượng cao, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, hạn chế quảng canh, đẩy mạnh thâm canh để nâng cao hiệu quả canh tác. Các doanh nghiệp cần có cam kết về giá với người dân để ổn định nguồn nguyên liệu, sản xuất, chế biến sắn phải gắn với bảo vệ môi trường.

Đức Toàn – Mạnh Cường