Yên Bái: Lan tỏa một niềm tin

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/3/2021 | 8:06:12 AM

YênBái - Yên Bái phát triển nhanh và vững chắc, đó là điều tôi cảm nhận thấy khi đặt chân lên mảnh đất này sau mười năm xa cách. Mục tiêu đến năm 2030 Yên Bái trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc đã luôn dẫn dắt, làm kim chỉ nam cho đường hướng phát triển của tỉnh.

Trung tâm thành phố tỉnh lỵ  Yên Bái được quy hoạch, đầu tư mang một diện mạo mới. (Ảnh: Hoàng Đô)
Trung tâm thành phố tỉnh lỵ Yên Bái được quy hoạch, đầu tư mang một diện mạo mới. (Ảnh: Hoàng Đô)

Phát huy tiềm năng, đồng tâm vượt khó

Sự thay đổi rõ rệt đến mức một người khách du lịch như tôi có thể nhận biết rõ ràng. Từ các con đường trong thành phố, đến đường giao thông nông thôn, đường liên huyện, liên xã. Một bộ mặt mới, sức sống mới đã hình thành nơi đây, đem đến cho người dân một cuộc sống ngày càng khởi sắc. 



Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với các đồng chí lãnh đạo về định hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và đến năm 2030.  

Mục tiêu chung luôn là điều mà chính quyền và người dân cùng hướng đến, với lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch, Yên Bái là tỉnh hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước. 

Và thật tuyệt vời, ngay cả người dân bình thường cũng biết về mục tiêu đó. Điều này thể hiện sự chung sức, đồng lòng giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Bái trên con đường phát triển mới. Yên Bái sẽ trở thành điểm sáng của vùng và hình ảnh của tỉnh sẽ lan tỏa mạnh mẽ - đó là tâm thế, là niềm mong mỏi của người Yên Bái. 

Một miền đất tươi đẹp với phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời và tinh thần đoàn kết, đồng lòng trong lao động sản xuất. Địa phương nào cũng có tiềm năng, lợi thế nhưng làm thế nào để biến tiềm năng, lợi thế đó thành những giá trị cụ thể? Mỗi địa phương đều đã có câu trả lời và đang vững bước trong hướng đi của mình. 

Từ trước đến nay, các tỉnh miền núi, vùng cao luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn ấy đến từ sự phức tạp của địa hình, của một cộng đồng với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống. Khó khăn, thách thức có thể nói là rất nhiều, nhưng khó thăn thực sự đến khi tình hình chung gặp sự cố, khi biến cố khách quan tác động mạnh đến nền kinh tế cả nước. 

Đối với Yên Bái, việc nhận thức rõ và chủ động ứng phó với muôn vàn khó khăn đó đã minh chứng cho một thực tế rõ ràng: đoàn kết một lòng sẽ dẫn đến thành công. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và Đại hội XIII của Đảng, Yên Bái đã phát huy cao độ tình đoàn kết keo sơn, không ngừng phấn đấu, nỗ lực để đạt được những thành tựu lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. 

Nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh đã chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra như lũ ống, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất nghiêm trọng cũng như thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Trong bối cảnh đó, lại phải đối phó đại dịch Covid-19 với khó khăn chung của cả nước, nhưng Yên Bái đã vừa chủ động ứng phó với dịch bệnh, vừa củng cố nền tảng và vẫn tích cực duy trì tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 

Năm cuối nhiệm kỳ 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,41%, cao gấp 1,86 tốc độ tăng GDP của cả nước, đứng thứ 4/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đó là những điểm nhấn quan trọng, nổi bật và cho thấy sự vững vàng của Yên Bái!

Ba đột phá 

Theo dõi sự phát triển kinh tế của Yên Bái trong nhiều năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ vừa rồi, có thể thấy một sự bền vững dần được thể hiện rõ trong đường hướng và sự phát triển các ngành chiến lược. 

Điều đó có thể thấy rõ ở việc thực hiện hiệu quả ba lĩnh vực: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực và đặc biệt là hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đời sống xã hội, văn hóa, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm. 

Trong đó, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc vừa là việc làm cấp thiết, vừa là hoạt động thường xuyên của tỉnh. 

Đó thật sự là định hướng đúng đắn của Đảng bộ tỉnh, bởi cuộc sống có an tâm thì mới vững tin dồn sức phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một việc rất quan trọng mà tỉnh thực hiện tốt và đang tiếp tục dành sự quan tâm là địa chính trị, về kết cấu kinh tế - xã hội, về chăm lo cuộc sống cho đồng bào dân tộc, về bảo tồn bản sắc văn hóa của tỉnh… 



Một góc trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay.  

Chúng ta cần nhìn nhận, xác định rõ hướng đi lâu dài, bắt đầu từ nguồn lực đầu tư, về mức độ tác động của chính sách… Đó chính là những điểm nhấn để thực hiện tốt mục tiêu của Trung ương cũng như Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh. 

Việc ban hành nhiều kế hoạch, đề án và cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế gắn với mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng Tây Bắc; đẩy mạnh tham gia đối tác, hợp tác hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng là điểm sáng truyền thống nhiều năm nay của tỉnh Yên Bái, nay lại nhận được sự quan tâm lớn và từng bước thực hiện. 

Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh Yên Bái xác định một trong những phương hướng phát triển quan trọng là: "Tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân trong những ngành chủ lực, có lợi thế của tỉnh như phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, chuyên canh nông sản chủ lực, đặc sản, hữu cơ và sản phẩm công nghệ cao; phát triển chăn nuôi, thủy sản cơ bản theo hướng tập trung, bảo đảm an toàn sinh học; công nghiệp chế biến lâm sản công nghệ cao; chế biến vật liệu xây dựng cao cấp; công nghiệp phụ trợ, may mặc, năng lượng tái tạo; phát triển mạnh dịch vụ, thương mại; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững”. 

Đây thực sự là tầm nhìn đúng đắn, bởi với vị trí địa lý, lợi thế của tỉnh thì phát triển ngành lâm nghiệp, nông sản công nghệ cao là hướng đi cần tập trung, dồn sức phát triển. Ngành kinh tế này còn có hàm lượng công nghệ cao, buộc các khâu liên quan phải đổi mới, nâng tầm mới thích ứng được với thời cuộc. 

Phát triển mạnh dịch vụ, thương mại, đặc biệt là du lịch cũng là mắt xích quan trọng trong nhiều mô hình phát triển bền vững. Tuy nhiên, hai khó khăn lớn có thể nhìn thấy rõ ở đây là đại dịch Covid-19 và sự khó khăn về hạ tầng giao thông. Yên Bái đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, bởi kết cấu hạ tầng đồng bộ chính là chìa khóa cho phát triển bền vững.

Yên Bái đã xác định hướng đi, đã có sự đoàn kết trên dưới một lòng, đoàn kết giữa chính quyền và người dân, với đồng bào các dân tộc anh em, Yên Bái sẽ năng động, đổi mới, tự tin, vượt qua các khó khăn, thách thức, vượt qua những khó khăn, thách thức chung tác động đến đất nước và đến từng địa phương. 

Với những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhất là trong năm 2020, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng Yên Bái sẽ trở thành tỉnh phát triển trong tốp đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc như Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Đinh Thành Trung (Nhà B4, số 261 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội)