Mỹ, EU tạm ngừng áp thuế liên quan đến tranh chấp Airbus-Boeing

  • Cập nhật: Thứ bảy, 6/3/2021 | 8:27:00 AM

Brussels và Washington đã nhất trí tạm ngừng áp thuế trả đũa trong vòng 4 tháng liên quan đến cuộc tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho 2 hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing.

Máy bay A350-1000 của hãng Airbus trình diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris lần thứ 53, Pháp, ngày 17/6/2019
Máy bay A350-1000 của hãng Airbus trình diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris lần thứ 53, Pháp, ngày 17/6/2019

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 5/3 thông báo Brussels và Washington đã nhất trí tạm ngừng áp thuế trả đũa trong vòng 4 tháng liên quan đến cuộc tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho 2 hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing. 

Thông cáo của EC dẫn lời bà von der Leyen nêu rõ: "Tôi vui mừng được trò chuyện với Tổng thống (Joe) Biden trong chiều nay… Tổng thống Biden và tôi đã nhất trí tạm ngừng mọi khoản thuế mà chúng ta áp đặt trong bối cảnh của cuộc tranh cãi Airbus-Boeing, kể cả các mặt hàng máy bay và không phải là máy bay, trong thời gian ban đầu là 4 tháng.” 

Trong động thái phản ứng, Bộ Thương mại Pháp cùng ngày đã hoan nghênh thỏa thuận nói trên giữa EU và Mỹ.

Tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Pháp Franck Riester nêu rõ thỏa thuận "là một bước đi đầu tiên trong tiến trình giảm leo thang. Giờ đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban (châu Âu) và các đối tác châu Âu của chúng tôi trong 4 tháng tới để đưa ra những quy định mới về vấn đề trợ cấp công cho lĩnh vực hàng không vũ trụ, phù hợp với các lợi ích của chúng tôi.”

Trước đó, hôm 4/3, Mỹ và Anh cũng đã nhất trí về việc ngừng áp thuế trả đũa của Washington nhằm vào hàng hóa Anh,  như rượu whisky của Scotland, trong vòng 4 tháng.

Chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã áp thuế đối với 7,5 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ EU, trong đó có rượu whisky của Scotland. Đáp lại, EU đã áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 4 tỷ USD.

Hai bên áp thuế trả đũa lẫn nhau do bất đồng kéo dài 16 năm qua liên quan tới trợ cấp của các chính phủ hai bên đối với các hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus và đối thủ Boeing (Mỹ). Khi đó, Anh vẫn là nước thành viên EU./

(Vietnam+)