Bất cập quy định “đẳng cấp” trong phân hạng chức danh giáo viên

  • Cập nhật: Thứ bảy, 6/3/2021 | 8:33:02 AM

Quy định xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên theo thứ hạng tồn tại nhiều bất cập, không tạo ra động lực phấn đấu, nỗ lực liên tục cho đội ngũ nhà giáo.

Các giáo viên tài năng của tỉnh Nghệ An được khen thưởng, tôn vinh. ảnh minh họa
Các giáo viên tài năng của tỉnh Nghệ An được khen thưởng, tôn vinh. ảnh minh họa

Tiềm ẩn phát sinh tiêu cực

Theo quy định tại Thông tư 04/2021 của Bộ GDĐT, chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT được xếp thành 3 hạng: III, II, I, với các tiêu chuẩn khác nhau.

Về cơ bản, giáo viên hạng III yêu cầu có bằng cử nhân sư phạm, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (CCCDNN) giáo viên hạng III.

Giáo viên hạng II, yêu cầu bằng cử nhân sư phạm, CCCDNN giáo viên hạng II và bổ sung thêm tiêu chí: "Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên”.

Giáo viên hạng I yêu cầu có bằng Thạc sĩ trở lên, CCCDNN giáo viên hạng I, và thêm tiêu chí: "Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp bộ/ban/ngành/tỉnh trở lên; hoặc bằng khen từ cấp tỉnh trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp tỉnh trở lên”.

Ngoài ra, có nhiều khác biệt về nhiệm vụ, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ...

Sau 9 năm làm giáo viên hạng III, giáo viên có thể được xét lên hạng II, và sau 6 năm, có thể được xét lên hạng I.

Sự khác biệt về tiêu chí giữa giáo viên hạng III và hạng II gần như không đáng kể, vì tiêu chí "giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp trường” của giáo viên hạng II yêu cầu không cao.

Tiêu chí giáo viên hạng I khó hơn, với danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, bằng khen cấp tỉnh, giáo viên giỏi tỉnh trở lên, phải có bằng thạc sĩ. Với tiêu chí này, vô hình trung tạo ra động lực cho cuộc đua bằng cấp, thành tích, sáng kiến kinh nghiệm, danh hiệu rất tốn kém, và tiềm ẩn phát sinh nhiều tiêu cực.

Với quy định như trên, nhiều giáo viên THPT chưa có bằng Thạc sĩ họ sẽ không muốn tham gia thi giáo viên giỏi tỉnh, vì có đậu, cũng không được xét lên hạng I.

Chưa tạo ra động lực phấn đấu liên tục

Thông tư của Bộ GDĐT không có quy định "hạ, "rớt hạng”, có nghĩa là giáo viên chỉ cần thăng hạng 1 lần, hưởng suốt đời. Cho dù sau đó có yếu kém, vi phạm. Bất cập nữa là chưa đủ số năm quy định, thì giáo viên dù đạt đủ các tiêu chí và xuất sắc đến mấy cũng không được bổ nhiệm chức danh hạng I.

Nhiều giáo viên nhận định, với những tiêu chí nặng về hình thức và bằng cấp, định tính như trên, tiềm ẩn phát sinh cho các cuộc đua tranh, chạy chọt các kiểu về bằng cấp, danh hiệu, ít chú trọng về hiệu quả, chất lượng giáo dục.

Cách thức phân hạng viên chức, giáo viên như trên là quá lạc hậu, bất cập, tạo ra sự phân biệt "đẳng cấp” trong cơ quan, nhà trường, không tạo ra động lực để thúc đẩy sự phát triển sự nghiệp.

Từ thực tế nói trên, nhiều giáo viên kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét bãi bỏ quy định phân hạng viên chức như hiện nay, tất cả chỉ có 1 hạng, xếp lương theo thâm niên, thành tích, kết quả công việc từng quý, từng năm. Đồng thời, bãi bỏ quy định về bằng cấp, chứng chỉ vô bổ, hình thức, vừa gọn nhẹ, tiết kiệm, vừa tạo ra động lực phấn đấu liên tục, cạnh tranh tích cực cho đội ngũ nhà giáo.

(Theo Lao Động)