Anh Thắng đã thoát nghèo như thế!

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/3/2021 | 6:47:49 AM

YênBái - Vượt lên hoàn cảnh để chiến thắng đói nghèo, với ý chí và nghị lực, anh Phùng Xuân Thắng, thôn Suối Bó, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn đã trở thành chủ nhân của mô hình kinh tế đồi rừng 7 ha.

Anh Phùng Xuân Thắng chăm sóc đồi quế 3 năm tuổi của gia đình.
Anh Phùng Xuân Thắng chăm sóc đồi quế 3 năm tuổi của gia đình.

Là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em, sau khi học xong THPT, vì kinh tế gia đình khó khăn nên anh Thắng đành gác việc học chuyên nghiệp để phụ giúp gia đình làm kinh tế. Lập gia đình riêng, mặc dù đã xoay sở đủ nghề nhưng cuộc sống cũng không khá hơn chút nào, anh đã vào miền Nam làm việc tại một khu công nghiệp. 

Sau nhiều năm làm ăn, tiết kiệm tích góp không được bao nhiêu, anh nhận thấy không đâu bằng quê hương mình nên đầu năm 2000 đã trở về quê nhà lập nghiệp. Thấy những đất trống, đồi núi trọc chưa có ai canh tác còn nhiều, anh mạnh dạn đăng ký với xã để khai phá, canh tác. Những chỗ đất bằng phẳng thuận tiện, anh làm hệ thống dẫn nước, đắp bờ để canh tác lúa nước, trồng ngô, sắn để lấy lương thực chăn nuôi; những chỗ đất dốc anh trồng cây lâm nghiệp. 

Với hơn 3.000 mét vuông ruộng hai vụ, ngoài phục vụ nhu cầu lương thực cho gia đình, mỗi năm anh bán được vài tạ thóc. Diện tích trồng ngô, sắn, ngoài phát triển chăn nuôi, mỗi năm cũng cho anh có thêm thu nhập. Có chút đồng vốn, anh lại tiếp tục mua cây giống về trồng rừng, đầu tư nuôi thêm gia cầm và trâu, bò. 

Anh Thắng cho biết: "Đi làm ở khu công nghiệp, tháng nào có tiền tháng đấy, nhưng đủ thứ chi phí nên tích góp chẳng bao nhiêu. Có sức khỏe, có đất đai canh tác, nhiều người đã vươn lên ngay từ chính mảnh đất quê hương mình, được thăm quan những mô hình của anh em, bạn bè tôi đã hiểu được điều đó. Tất nhiên là không thể thành công ngay được bởi làm kinh tế đồi rừng cũng phải có thời gian, song mình đã quyết thì ắt hẳn sẽ làm được”. 

Nhờ biết tính toán để quay vòng đồng vốn, những đồi cây dần khép tán, ngô sắn được mùa, chăn nuôi cũng thuận lợi đã tiếp thêm cho anh sức mạnh. Cứ thế anh thuê thêm những diện tích đất của Nhà nước để canh tác, những chỗ đất dốc anh trồng các loại cây lâm nghiệp để chống hiện tượng xói mòn, ngoài ra còn tạo nguồn nước, giữ độ ẩm cho đất. Diện tích bằng phằng bên dưới, anh trồng các loại cây lương thực ngắn ngày. 

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu vực đồi rừng, anh cho biết: "Những đồi quế trồng đã được 3 năm, chỉ 2 năm nữa có thể tỉa thưa bán cho nhà máy chế biến tinh dầu là tôi có tiền. Còn lại, khoảng 10 năm khai thác trắng là có vài trăm triệu đồng, tất cả tiền của vốn liếng của gia đình tôi nằm hết ở ngoài đồi nương này đấy!”. 

Không chỉ vươn lên để mình thoát nghèo, anh Thắng còn nhiệt tình hỗ trợ giúp đỡ các hộ dân trong thôn về vốn, cây giống để họ cùng vươn lên phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia ủng hộ tiền, công lao động cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới. Dự định trong năm nay, anh sẽ khai thác những diện tích bồ đề đến kỳ thu hoạch để tập trung trồng quế, vì cây quế có giá trị kinh tế cao, có thể tận thu được nhiều từ cây quế.

Bằng ý chí, nghị lực, từ hai bàn tay trắng, anh Phùng Xuân Thắng đã có hơn 7 ha đồi rừng, chủ yếu là quế từ 3 - 15 năm tuổi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ một hộ nghèo, anh Thắng đã vươn lên thoát nghèo, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương, được cấp ủy, chính quyền xã Suối Quyền chọn làm mô hình để nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Thanh Tân