Yên Bái: Hiệu quả từ các nghị quyết về công tác dân số

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/4/2021 | 7:44:04 AM

YênBái - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 40/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án về công tác dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ), tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Người dân huyện Mù Cang Chải được tuyên truyền về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Người dân huyện Mù Cang Chải được tuyên truyền về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Là huyện vùng cao của tỉnh, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, một số phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều lạc hậu nên những năm trước đây, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn thường xuyên xảy ra ở huyện Trạm Tấu. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhờ thực hiện tốt các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác dân số nên công tác DS-KHHGĐ ở vùng cao Trạm Tấu đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Ông Khang A Chua -  Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Trên cơ sở các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện đã cụ thể hóa bằng các quyết định, kế hoạch về công tác  DS-KHHGĐ  ở 11 xã đặc biệt khó khăn của huyện giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, huyện chỉ đạo làm tốt việc tuyên truyền, vận động đồng bào, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp KHHGĐ, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con nhiều… nên hàng năm, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đã được đẩy lùi”. 

Cũng như huyện Trạm Tấu, các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên cũng đã cụ thể hóa chủ trương của tỉnh đối với công tác DS-KHHGĐ vùng cao theo tinh thần Nghị quyết 25 và Nghị quyết 40 của HĐND tỉnh bằng các chỉ thị, kế hoạch, đề án cụ thể nên các mục tiêu về công tác DS-KHHGĐ ở các địa phương vùng đặc biệt khó khăn có nhiều chuyển tích cực. 

Bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngay sau khi các Nghị quyết được ban hành, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đã phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị tổ chức triển khai thực hiện, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nắm bắt các chế độ, chính sách đã được ban hành, từ đó tự nguyện tham gia áp dụng các biện pháp KHHGĐ, nâng cao nhận thức về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhằm giảm thiểu và xóa bỏ vấn nạn này trong đồng bào Mông, nhất là tại huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu”.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các mục tiêu theo tinh thần các nghị quyết, UBND tỉnh, các địa phương và Sở Y tế cũng đã triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ kinh phí dịch vụ KHHGĐ; chính sách đối với cộng tác viên dân số và cô đỡ thôn bản; bồi dưỡng đối tượng thực hiện các biện pháp tránh thai... 

Qua đó, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25 và Nghị quyết số 40 của Hội đồng nhân dân tỉnh, toàn tỉnh đã cung cấp thuốc, vật tư tiêu hao và chi phí dịch vụ khác hàng năm cho trên 4.600 ca đặt dụng cụ tử cung/ năm, khoảng 75 ca triệt sản/ năm, gần 1.500/ năm ca tiêm thuốc tránh thai; bình quân mỗi năm bồi dưỡng 4.615 người đặt dụng cụ tử cung/ năm... với tổng kinh phí thực hiện chính sách giai đoạn 2016 - 2020 hơn 13 tỷ đồng.

Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác DS-KHHGĐ nên đã đạt mục tiêu giảm sinh hàng năm 0,4%, trong đó huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu giảm -0,6%; tỷ suất sinh thô đạt 18,5%; tỷ lệ tảo hôn giảm hàng năm tại huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu bình quân 2%/năm… qua đó góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại các địa bàn nhiều khó khăn của tỉnh.
Văn Tuấn