Yên Bái: Tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/4/2021 | 7:57:01 AM

YênBái - Trong quý I/2021, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn, đảm bảo thanh khoản, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng của khách hàng. Các lĩnh vực dư nợ tập trung gồm: cho vay nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Nhân dân đến Ngân hàng Agribank Chi nhánh Trạm Tấu giao dịch vốn.
Nhân dân đến Ngân hàng Agribank Chi nhánh Trạm Tấu giao dịch vốn.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái thì tổng nguồn vốn các chi nhánh ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) ước đến 31/3/2021, đạt 30.650 tỷ đồng, tăng 1,97% so với 31/12/2020 (so cùng kỳ tăng 0,14%). 

Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 20.600 tỷ đồng, tăng 3,71% so với 31/12/2020 (so cùng kỳ tăng 4,02 %) và chiếm tỷ trọng 67,21% trên tổng nguồn vốn. Trong quý I, mặc dù ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng nguồn vốn huy động vẫn có sự tăng trưởng ổn định. 

Tuy nhiên, nguồn tiền gửi từ các tổ chức kinh tế là pháp nhân đến 28/2/2021 có chiều hướng giảm so với 31/12/2020 (giảm 4,56%). Tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn ước đến 31/3/2021 đạt 26.500 tỷ đồng, tăng 0,54% so với thời điểm 31/12/2020 (so cùng kỳ giảm 1,14%). 

Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 9.900 tỷ đồng chiếm 37,35% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 16.600 tỷ đồng, chiếm 62,64% tổng dư nợ; dư nợ cho vay bằng VND đạt 26.410 tỷ đồng chiếm 99,66% tổng dư nợ; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ đạt 90 tỷ đồng, chiếm 0,33% tổng dư nợ.

Song song với quá trình giải ngân vốn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các tổ chức tín dụng cũng tích cực phối hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng. 

Được biết, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến 10/03/2021 là 5.257 tỷ đồng, chiếm 20,5% so với tổng dư nợ trên toàn tỉnh và các chi nhánh ngân hàng đã tháo gỡ khó khăn cho 28.706 khách hàng. 

Cụ thể, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.029 khách hàng với dư nợ 942 tỷ đồng. Doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay 4.128 tỷ đồng đối với 13.784 khách hàng; trong đó, khách hàng là doanh nghiệp và hợp tác xã là 129 đơn vị với doanh số cho vay là 1.849 tỷ đồng, 13.655 khách hàng cá nhân với doanh số cho vay là 2.279 tỷ đồng. 

Giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ cũ phát sinh trước ngày 23/01/2020 (dư nợ hiện hữu) từ 0,2% đến 2,5%/năm cho 9.059 khách hàng và dư nợ được giảm lãi là 14.363 tỷ đồng tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của khách hàng, khả năng tài chính của từng chi nhánh ngân hàng, QTDND. Giảm nhiều loại phí trong giao dịch với khách hàng. 

Dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đến 31/3/2021 ước đạt 10.350 tỷ đồng, tăng 1,22% so với năm 2020 (so cùng kỳ năm 2020 tăng 0,46%), chiếm 39,05% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến 31/3/2021 ước đạt 8.400 tỷ đồng, tăng 1,83% so với năm 2020 và chiếm 31,69% tổng dư nợ. Dư nợ 14 chương trình tín dụng đến 29/02/2021 đạt 3.330 tỷ đồng, tăng 0,69% so với năm 2020; trong đó, dư nợ các chương trình: cho vay hộ nghèo đạt 1.144 tỷ đồng; cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt 670 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo là 490 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm đạt 151 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 325 tỷ đồng; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường đạt 360 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt 12 tỷ đồng...) và ước đến 31/3/2021, dư nợ đạt 3.335 tỷ đồng, tăng 0,84%. 

Sau những nỗ lực giảm lãi suất của các ngân hàng, đến thời điểm này, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 4 - 8%/năm. Thậm chí, ở một số ngân hàng, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên thấp hơn lãi suất huy động. Bên cạnh việc giảm lãi suất, các ngân hàng đều tận dụng cơ chế của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN Việt Nam để hỗ trợ khách hàng như cơ cấu lại các khoản nợ, miễn giảm lãi, phí... 

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các tổ chức tín dụng đều đã xuất sắc vượt qua năm 2020 đầy rẫy thách thức và khó khăn to lớn do dịch Covid-19 mang lại. Đây sẽ là kinh nghiệm quý báu để các ngân hàng tiếp tục ứng phó, chống chịu tốt hơn với tác động tiêu cực của dịch bệnh; thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp vốn phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, hạn chế nợ xấu; đảm bảo an toàn về vốn trong năm 2021. 

Thời gian tới, các tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí; giảm lãi suất cho vay; đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng không hạ chuẩn cho vay để đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Tiếp tục nâng cao chất lượng điều hành theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng. 
Quang Thiều