Vốn ngoại rút ròng kỷ lục và ẩn số những "tay chơi mới" trên thị trường chứng khoán

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/4/2021 | 9:09:57 AM

Vốn ngoại bán ròng liên tục tại các quỹ đầu tư chủ động khiến cho tháng 3 trở thành tháng rút ròng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng có những "tay chơi mới" lộ diện...

Thị trường Việt Nam bị rút ròng 100 triệu USD, chấm dứt chuỗi 4 tháng có vốn vào liên tiếp
Thị trường Việt Nam bị rút ròng 100 triệu USD, chấm dứt chuỗi 4 tháng có vốn vào liên tiếp

Một báo cáo cập nhật về diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam, vừa được Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI công bố, cho thấy: dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 3 rút ròng mạnh nhất, có chiều hướng chảy mạnh ra bên ngoài.

THÁNG RÚT RÒNG MẠNH NHẤT TẠI VIỆT NAM

Với việc dòng vốn rút ròng liên tục tại các quỹ đầu tư chủ động trong cả tháng vừa qua khiến cho tháng 3/2021 trở thành thành tháng rút ròng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. 

Theo dữ liệu EPFR, thị trường Việt Nam bị rút ròng 100 triệu USD, chấm dứt chuỗi 4 tháng có vốn vào liên tiếp và là tháng rút ròng lớn nhất kể từ tháng 3/2020 đến nay. 

Với các ETF, quỹ VFM VN30 ETF và Premia Vietnam ETF bán mạnh, lần lượt -820 tỷ đồng và -37 tỷ đồng. Tuy vậy, lực mua từ quỹ VFM VNDiamond (+850 tỷ đồng), đã giúp cân bằng lại tổng dòng vốn ETF trong tháng 3 với giá trị mua ròng nhẹ +170 tỷ đồng (tương đương 7 triệu USD).

Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận mức bán ròng lịch sử, tổng cộng 11.447 tỷ đồng trong tháng 3 và lũy kế bán ròng 14.554 tỷ trong quý 1/2021. 

BA TÍN HIỆU TÍCH CỰC CHO DÒNG VỐN ETF

Diễn biến bán ròng mạnh ở thị trường Việt Nam trong tháng vừa qua nằm trong xu hướng yếu đi của dòng vốn tại khu vực Châu Á nhưng SSI nhận thấy các tín hiệu tích cực về dòng vốn ETF trong thời gian tới.

Thứ nhất, Quỹ VFM VN30 ETF đã ngừng rút tiền và có tiền vào liên tục kể từ ngày 25/3. Quỹ FTSE Vietnam UCITS ETF cũng có dòng vốn vào trở lại trong 3 ngày cuối tháng.

Thứ hai, Fubon FTSE Vietnam ETF là quỹ ETF mới nhất gia nhập thị trường Vietnam. Đây là quỹ ETF của Đài Loan đầu tư 100% tài sản vào thị trường cổ phiếu Việt Nam. Danh mục quỹ bao gồm 30 cổ phiếu thuộc chỉ số FTSE Vietnam 30 Index, trong đó đứng đầu danh mục là VIC (11,1%), HPG (10%), VNM (9,7%), VHM (9,7%), MSN (8,9%), VRE (7%). Quỹ đặt mục tiêu huy động được 10 tỷ TWD (khoảng 8.000 tỷ đồng), và ước tính trong giai đoạn IPO (24-26/3) đã huy động được một nửa giá trị trên. 

"Chúng tôi cho rằng quỹ sẽ bắt đầu giải ngân từ đầu tháng 4, giúp đẩy mạnh dòng tiền vào cho nhóm quỹ ETF. Xu hướng dòng vốn chảy mạnh về thị trường phát triển chỉ làm chậm dòng vốn vào các thị trường mới nổi và cận biên trong ngắn hạn", báo cáo lưu ý.

Về dài hạn, câu chuyện tăng trưởng kinh tế vẫn tạo ra sức hấp dẫn với cổ phiếu toàn cầu, tương tự giai đoạn ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ đã hút dòng vốn về Mỹ rất mạnh vào cuối 2016, đầu 2017 nhưng sau đó dòng vốn tại các thị trường khác cũng tăng rất tốt. 

Với môi trường kinh doanh ổn định, kiểm soát cung tiền chặt chẽ, áp lực lạm phát thấp, thị trường Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn trong dài hạn.

DÒNG TIỀN ĐẦU TƯ TRÊN TOÀN CẦU

Trong khi đó, thị trường Mỹ là tâm điểm hút vốn trên toàn cầu trong tháng vừa qua. Các quỹ cổ phiếu tiếp tục hút ròng 147 tỷ USD trong tháng 3, cao hơn 4% so với dòng tiền vào kỷ lục của tháng 2/2021 và là tháng thứ 7 liên tiếp có dòng tiền vào cổ phiếu. Trong đó, dòng tiền vào cổ phiếu tăng +9,6% so với tháng trước ở các thị trường phát triển nhưng giảm -19,7% ở các thị trường mới nổi. 

Cổ phiếu Mỹ được xem là tâm điểm hút vốn nhờ những nỗ lực của chính quyền mới của ông Bidden. Trong khi các nước Châu Âu lại bước vào đợt phong tỏa mới do dịch Covid19 lan rộng trở lại thì Mỹ đang tăng tốc tiêm chủng (hơn 2 triệu người/ngày) và tỷ lệ số ca nhiễm mới, tử vong đều giảm. Niềm tin người tiêu dùng Mỹ tăng khá mạnh, thị trường việc làm cải thiện tích cực. Cùng với gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD đang được triển khai, Tổng thống Mỹ vừa đề xuất thêm gói đầu tư hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD càng gia tăng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm 2021. Nhờ vậy, trong 2 tháng gần đây, lượng vốn mới đổ vào các quỹ cổ phiếu Mỹ đã vượt qua các quỹ đầu tư đa quốc gia trở thành điểm đến của dòng vốn toàn cầu. Ngược lại, cổ phiếu các nước Châu Âu ghi nhận tháng thứ 2 bị rút ròng, lượng vốn vào các thị trường phát triển Châu Á cũng giảm tới -52% trong tháng 3. 

Tuy nhiên, SSI cũng lưu ý: lạm phát đang trở thành rủi ro lớn nhất trong mắt các nhà đầu tư. Một khảo sát tháng 3 của Bank of America Merrill Lynch đã chứng mình điều này khi chỉ rõ: lạm phát đã lần đầu tiên kể từ tháng 2/2020 vượt qua dịch bệnh trở thành rủi ro lớn nhất với các nhà đầu tư, tiếp sau là rủi ro bán tháo trên thị trường trái phiếu. Dòng vốn vào trái phiếu đã sụt giảm - 72% trong tháng vừa qua, là tháng có vốn vào trái phiếu thấp nhất kể từ đầu 2019 đến nay (nếu bỏ qua tháng 3/2020 là tháng dòng vốn hoảng loạn do đại dịch). Lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tăng liên tục trong quý 1/2021 và trở về vùng trước khi có dịch Covid-19. 

Vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi Châu Á sụt giảm mạnh, chỉ là 6,5 tỷ USD trong tháng 3/2021, bằng 1/3 lượng vốn vào trong tháng 2/2021 trong đó các quỹ ETF chỉ có 1,2 tỷ USD vốn vào (-86% so với tháng trước), các quỹ chủ động có 5,3 tỷ USD (-46% so với tháng trước). Dòng vốn có xu hướng yếu hơn rõ rệt ở thị trường mới nổi lớn nhất là Trung Quốc trong nửa cuối tháng 3. 

Trong tháng 3, Trung Quốc đã tăng hạn ngạch mua tài sản nước ngoài cho các tổ chức trong nước lên mức cao lịch sử là 135 tỷ USD, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc nâng hạn ngạch này – chuỗi tăng dài nhất kể từ 2018. Động thái này khuyến khích dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc và khiến đồng Nhân dân tệ giảm giá 1,3% trong tháng 3. Với vai trò là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, động thái này cũng tác động lớn đến diễn biến dòng vốn toàn cầu trong tháng vừa qua.

(Theo Thời báo Kinh tế)