Yên Bái: Chung tay bảo vệ phụ nữ và trẻ em

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/4/2021 | 9:56:56 AM

YênBái - Theo báo cáo của ngành chức năng, mỗi năm trung bình cả nước có trên 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm hơn 60% số vụ xâm hại trẻ em); 58% phụ nữ chịu ít nhất 1 trong 3 hình thức bạo lực là thể chất, tinh thần và tình dục.

Hội viên phụ nữ huyện Văn Chấn được hỗ trợ tham gia học nghề để nâng cao đời sống.
Hội viên phụ nữ huyện Văn Chấn được hỗ trợ tham gia học nghề để nâng cao đời sống.

Từ năm 2016 đến hết tháng 6/2019, cả nước phát hiện hơn 1.000 vụ mua bán người với hơn 2.600 nạn nhân, trong đó phụ nữ và trẻ em chiếm hơn 90%. Tại Yên Bái, tình trạng này đã diễn ra và vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp. Để góp phần chung tay bảo vệ phụ nữ và trẻ em, những năm gần đây, các cấp hội phụ nữ (HPN) trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực.  

Từ năm 2019 đến nay, các cấp HPN tỉnh Yên Bái đã tổ chức 5.960 cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, bạo hành trong gia đình; cấp phát trên 2.000 tờ rơi, 3.000 cuốn tranh lật, treo 1.500 áp phích tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, di cư an toàn, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình tới 100% cơ sở Hội. 

Đồng thời, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, hội thi, sinh hoạt chuyên đề hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, "Tháng hành động vì trẻ em”, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Hiện tại, các cấp HPN đã thành lập được 186 tổ phản ứng nhanh ở cơ sở, qua đó, kịp thời nắm bắt được tình hình đời sống hội viên, dư luận xã hội và các tình huống liên quan đến đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Cùng với đó, nội dung tố giác tội phạm, bảo vệ phụ nữ và trẻ em đã được các cấp HPN đưa vào nội dung sinh hoạt tại các câu lạc bộ: "Phụ nữ với kiến thức pháp luật", "Cha mẹ phòng chống ma túy", "Quản lý, giáo dục trẻ em không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội"... 

Tại các địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, thực hiện phương châm "mưa dầm thấm lâu”, các cán bộ phụ nữ cơ sở đã tích cực đi từng nhà hội viên để tuyên truyền, vận động, giảng giải giúp nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống tội phạm, có kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống mua, bán người. Chị Hờ Thị Mỷ, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Thời gian qua, cùng với được tiếp thu, lĩnh hội nhiều kiến thức pháp luật bổ ích, chúng tôi còn được HPN tạo điều kiện cho tham gia các lớp dạy nghề thêu, may thổ cẩm, hỗ trợ máy may, máy thêu, hỗ trợ con giống để phát triển kinh tế... Vì thế các chị em yên tâm lao động, sản xuất, gắn bó với quê hương, không nghe theo các đối tượng xấu dụ dỗ”. 

Thực hiện chương trình phối hợp với Công an tỉnh, các cấp HPN đã chủ động thực hiện các biện pháp tư vấn, hỗ trợ, cảm hóa giáo dục các đối tượng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng; thăm hỏi, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ cho một số nạn nhân bị buôn bán trở về có việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống. 

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp HPN sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cho nhân dân, nhất là đối với phụ nữ và trẻ vị thành niên; chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của tội phạm, thời gian tới các cấp HPN trong tỉnh chú trọng hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ nghèo vay vốn phát triển sản xuất; duy trì hiệu quả các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm; thường xuyên trao đổi thông tin kịp thời, chính xác về tội phạm và tệ nạn xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em với Công an tỉnh để có biện pháp ngăn chặn, xử lý; tham gia phối hợp thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với các phong trào thi đua yêu nước.

Hồng Oanh