Trấn Yên: Xuất hiện bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/4/2021 | 7:44:13 AM

YênBái - Những ngày gần đây, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện tại thôn Bản Phạ, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Đây là bệnh mới ở gia súc, lần đầu tiên xuất hiện tại địa phương và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các địa phương cần tập trung cao độ cho phòng, chống dịch nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.

Ảnh minh họa. (Nguồn internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết, vừa qua, tại thôn Bản Phạ, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên có 1 con bò của một hộ dân xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, kém ăn; tại vùng yếm, vú và trên da toàn thân nổi nhiều nốt sần cục cứng. 

Ngày 29/3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp Trấn Yên tổ chức lấy mẫu phẩm gửi đi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm. Kết quả, mẫu phẩm trên dương tính với virus viêm da nổi cục. 

Để khống chế dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên đã cử cán bộ kỹ thuật về cơ sở hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly con bò bị bệnh và thực hiện các biện pháp quản lý, theo dõi các con chưa bị bệnh; phun tiêu độc khử trùng môi trường.

Chi cục phối hợp với chính quyền xã Việt Hồng khoanh vùng và cách ly đàn trâu bò khu vực thôn Bản Phạ; tuyên truyền đến các hộ những biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng quản lý và theo dõi toàn bộ 470 con trâu, bò của xã; đồng thời, giám sát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển và giết mổ gia súc tại xã Việt Hồng. Nhờ đó, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. 

Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò và không lây sang người. Virus này có sức đề kháng cao, có thể tồn tại ngoài môi trường từ 1 - 3 tháng. 

Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như: muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình 4 - 14 ngày. 

Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu: sốt cao, bỏ ăn, suy nhược, gầy yếu, hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân. 

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò không lây sang người, nên người dân hoàn toàn yên tâm sử dụng thịt trâu, bò đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, được kiểm dịch. Tuy nhiên, bệnh gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, gia súc có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại.

Hiện, toàn tỉnh có đàn trâu 98.141 con, đàn bò là 33.663 con. Để chủ động ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, cần tăng cường, chủ động theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm trâu, bò không rõ nguồn gốc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm; trường hợp phát hiện ổ dịch nghi ngờ gia súc mắc bệnh cần phải lấy mẫu để xét nghiệm bệnh và nếu mắc bệnh phải tổ chức tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y. 

Để phòng chống dịch, các địa phương cần hướng dẫn người dân phun hóa chất chống ruồi muỗi. Do đây là căn bệnh lần đầu tiên xuất hiện tại địa phương, nên cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến người dân, nhất là người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của bệnh để thực hiện các giải pháp kiểm soát nguy cơ bệnh xâm nhiễm. 

Cùng đó, người dân cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở gia súc. Thực hiện đúng nguyên tắc "5 không” trong phòng, chống dịch gồm: không giấu dịch; không mua, bán vận chuyển trâu, bò bệnh hoặc chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu, bò bệnh hoặc chết; không vứt xác trâu, bò chết ra môi trường.

Văn Thông