Cần có giải pháp chiến lược xử lý rác thải nông thôn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/4/2021 | 7:36:29 AM

YênBái - Đi dọc các tuyến tỉnh lộ, liên xã, liên thôn, không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát mọc lên cạnh các ngã hai, ngã ba. Các loại rác này đang được thải ra môi trường nông thôn mỗi ngày mà chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường.

Lò đốt rác ở xã Yên Thắng góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.
Lò đốt rác ở xã Yên Thắng góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.

Trong khi đó, các bãi tập kết rác thải ở nông thôn vẫn chỉ sử dụng phương pháp thủ công là đốt và chôn lấp. Thực trạng đó, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Những năm qua, các ban, ngành chức năng và địa phương trong tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý rác thải nông thôn. Công tác xử lý, thu gom rác thải nông thôn được triển khai, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. 

Trên cơ sở đó, nhiều xã, thị trấn đã quy hoạch, xây dựng các bãi tập kết rác thải tập trung; đồng thời, thành lập các tổ thu gom rác thải tại các tuyến đường chính. 

Mặc dù vậy, với tốc độ đô thi hóa nhanh như hiện nay, lượng rác thải nông thôn thải ra môi trường ngày càng nhiều; trong khi đó, mặc dù toàn tỉnh có 19 xã quy hoạch được bãi chôn lấp nhưng những bãi rác này chỉ giải quyết được tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường, ra sông, suối của người dân… 

Việc xử lý thủ công bằng biện pháp đốt và chôn lấp đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và lâu dần nếu không có biện pháp xử lý sẽ biến những bãi rác này trở thành các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa về phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt còn hạn chế, khiến công tác xử lý rác thải tại những nơi này còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Trước thực trạng về vấn đề rác thải sinh hoạt nói chung, trong đó có vấn đề xử lý rác thải nông thôn, mới đây, tỉnh đã  ban hành Quyết định số 2311/QĐ-UBND về việc thực hiện "Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Với mục tiêu, đến năm 2025, có 80% lượng chất thải phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu môi trường; 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn được đóng cửa và cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất... tỉnh Yên Bái sẽ triển khai rà soát lại các điểm lưu giữ chất thải sinh hoạt nông thôn để đáp ứng yêu cầu về vấn đề xử lý.

Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình để chấm dứt việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã; khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu công nghệ, xây dựng các khu xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường. 

Đặc biệt, để giải quyết tốt bài toán rác thải nông thôn, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thu gom, phân loại chất thải tại nguồn; tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi các sông, kênh mương… 

Bên cạnh đó, ngoài việc duy trì Nhà máy xử lý rác thải Văn Phú của Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành, tỉnh sẽ đầu tư 13 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; trong đó, có 7 lò đầu tư từ ngân sách Nhà nước và 6 lò đốt kêu gọi thu hút xã hội hóa ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khó khăn để hoàn thiện và nâng cao năng lực xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Hùng Cường