Những hệ lụy từ rượu - Bài 1: Hậu quả từ những cơn say

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/4/2021 | 7:34:33 AM

YênBái - Báo Yên Bái đã từng đăng tải phóng sự điều tra với nhan đề "Ma tà hay ma men?” khi rộ thông tin có tà ma chuyên hại những người đàn ông thuộc một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Bình. Sau khi phóng viên "mục sở thị”, nhất là khi chứng kiến những bữa nhậu uống bằng ca, bằng bát mới thấy, chẳng có tà ma nào hết, cả chục người bị đồn thổi là bị bỏ ma thì cả chục người đều… nghiện rượu kinh niên!

Rượu không thể thiếu trong các cuộc vui.
Rượu không thể thiếu trong các cuộc vui.

Tại Phòng Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 tối mùng 3 tết Tân Sửu 2021, kíp trực đang thực hiện thao tác cấp cứu cho một người đàn ông trong thể trạng suy kiệt vì rượu. Một bệnh nhân khác tập tễnh bước vào, liên tục xin được cấp thuốc cắt cơn đau vì bệnh gút hành hạ. 

Một bệnh nhân khác tập tễnh bước vào, liên tục xin được cấp thuốc cắt cơn đau vì bệnh gút hành hạ. Bỗng nhiên, ngoài sảnh nhốn nháo vì có ca cấp cứu, hai nạn nhân được người nhà đưa tới để khâu vết thương, tuy chưa đe dọa tính mạng nhưng vết thương khá lớn. 

Dù vậy, cả hai bệnh nhân vẫn tiếp tục cự cãi, tỏ ra bất hợp tác với thầy thuốc, bất chấp người nhà can ngăn. Hai bệnh nhân là người thân của nhau. Họ mâu thuẫn trong bữa rượu rồi đánh lộn. Cả hai đã đánh nhau nhiều lần, hành hạ vợ con, gây gổ với xóm làng, tất nhiên, đều trong tình trạng… say rượu.

Bác sĩ Nguyễn Việt Tâm - Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 chia sẻ, có trường hợp vào viện trong tình trạng thập tử, nhất sinh. Đến bữa, vợ bón cho từng thìa cháo, ấy thế, nhưng vẫn không thể quên rượu. Cán bộ điều dưỡng phải liên tục nhắc nhở. 

Các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo về tác hại rất lớn của rượu đối với sức khỏe con người. Những người uống rượu thường xuyên có nguy cơ gan nhiễm mỡ, do đó, ảnh hưởng đến chức năng gan, lâu ngày dẫn đến xơ gan. Uống rượu thường xuyên có liên quan với trầm cảm, lo âu và nhiều vấn đề tinh thần khác. 

Cồn ảnh hưởng đến những chất dẫn truyền thần kinh, theo chiều hướng khiến con người ngày càng trở nên lo âu, trầm cảm, căng thẳng và đặc biệt là tính cách xấu xa hơn. Ngoài ra, rượu còn ảnh hưởng không tốt đến chức năng sinh sản và tăng nguy cơ ung thư. Rượu cũng làm tăng khả năng cao huyết áp - nguy cơ lớn của đột quỵ và nhồi máu cơ tim và còn rất nhiều bệnh tật khác do uống nhiều rượu gây nên.

Báo Yên Bái đã có dịp đăng tải phóng sự điều tra với nhan đề "Ma tà hay ma men” khi rộ thông tin có tà ma chuyên hại những người đàn ông thuộc một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Bình. Sau khi phóng viên "mục sở thị”, nhất là khi chứng kiến những bữa nhậu uống bằng ca, bằng bát mới thấy, chẳng có tà ma nào hết, chỉ có con "ma men” nó giết hại những người đàn ông ở đây. Cả chục người bị đồn thổi là bị bỏ ma thì cả chục người đều… nghiện rượu kinh niên!



Một ca cấp cứu ngộ độc rượu, tự gây chấn thương. 

Sau tác hại của rượu bia đối với vấn đề sức khỏe, phải nói tới vấn đề an toàn giao thông. Con số trên 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra mới đây không thuyết phục được nhiều người. Không ít ý kiến cho rằng, con số ấy phải lớn hơn và có tới trên 90% số vụ tai nạn nghiêm trọng đều liên quan đến rượu! Khi lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm soát người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia đã nhận được rất nhiều ý kiến tán đồng của các lái xe. 

Người dân ủng hộ cao việc tăng mức phạt thật nặng để răn đe. Đợt tăng cường tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp tết Nguyên đán vừa qua của Công an tỉnh, ngay những ngày đầu tiên, hàng trăm trường hợp người lái xe đã bị xử lý vì vi phạm nồng độ cồn. Công an Yên Bái dẫn đầu cả nước về xử lý vi phạm này. Tuy vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, số người bị phát hiện và xử lý là rất nhỏ so với số người đã uống rượu vẫn lái xe. 

Bên cạnh đó, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nào đưa ra tỷ lệ số cặp vợ chồng ly hôn liên quan đến rượu nhưng gia đình có người nghiện rượu luôn bất ổn. Đơn giản là vì nghiện rượu sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế gia đình vì không thể lao động sản xuất. Rượu còn dễ nảy sinh các cuộc cãi vã. Chưa kể, con người trong trạng thái say rượu thì sẽ không làm chủ được bản thân, thần kinh bị kích động, rất dễ dẫn đến chửi bới, đánh lộn… Vậy là, gia đình bất hòa, xóm làng cũng bất an.

Rượu độc hại như thế mà người ta vẫn uống và coi đó như một thú vui. Có rất nhiều lý do để uống rượu. Đồ nhậu cũng đa dạng không kém. Người uống rượu thuộc mọi độ tuổi, mọi thành phần, từ nông thôn tới thành thị. Theo thống kê, mỗi năm, một người Việt tiêu thụ gần 9 lít đồ uống có cồn. Chỉ tính riêng năm 2020, Việt Nam đã sử dụng gần 4,4 tỉ lít bia, đứng đầu Đông Nam Á và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu, bia hàng đầu thế giới. Quả là những con số báo động! 

Xin kết thúc bài viết này bằng câu chuyện của một anh bạn đồng niên: "Từ khi đổ bệnh, bác sĩ khuyên tôi tuyệt đối không uống rượu, bia. Tôi cũng đã tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng cũng từ đó ít bạn dần. Nhiều anh trước đây thân thiết, giờ xa lánh hẳn, càng buồn hơn khi nhiều người nhận xét rằng tôi xa lánh anh em, thiếu hòa đồng”. Vẫn biết rượu không thể thiếu trong các cuộc vui nhưng chúng ta chỉ nên uống vừa phải, không say xỉn và hãy luôn nhớ đã uống rượu, bia không lái xe!

Lê Phiên
Bài 2: Những vụ án đau xót