Yên Bái: Bảo hộ sở hữu trí tuệ - tăng sức cạnh tranh cho nông sản

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/5/2021 | 7:48:37 AM

YênBái - Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có 17 sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

HTX Chè Hương Lý (Yên Bình) được hỗ trợ xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc và máy in tem sản phẩm.
HTX Chè Hương Lý (Yên Bình) được hỗ trợ xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc và máy in tem sản phẩm.


Là một trong những đơn vị được hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm an toàn, Hợp tác xã (HTX) bưởi đặc sản VietGAP Đại Minh (huyện Yên Bình) đã được cấp giấy chứng VietGAP năm 2019. 

HTX hiện có 9 hộ thành viên với 35 ha trồng giống bưởi đặc sản Đại Minh nằm trong diện tích được chứng nhận VietGAP. Đúng như cái tên của HTX, từ sản xuất đến thu hoạch đều được thực hiện theo tiêu chuẩn của VietGAP - đây chính là bằng chứng để khẳng định tên tuổi ác sản phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc HTX bưởi đặc sản VietGAP Đại Minh chia sẻ: "Từ khi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, sản phẩm của HTX ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng thể hiện qua việc chúng tôi có thêm nhiều đơn đặt hàng và đa dạng khách hàng không chỉ trong mà còn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Sản phẩm của chúng tôi giờ đã được bày bán trong hệ thống siêu thị Vinmart, các cửa hàng sạch. Năm 2020, HTX đã xuất bán 70 tấn bưởi, thu về khoảng 1 tỷ đồng”. 

HTX Chè Hương Lý, huyện Yên Bình sau khi được hỗ trợ xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc và mua máy in tem sản phẩm, đã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc từ lô sản xuất, được theo dõi qua sổ ghi chép quá trình đóng gói và quá trình sản xuất. 

Đặc biệt, khi thực hiện truy xuất về nguyên liệu sẽ có rõ ràng chủ hộ thu mua chè búp tươi, từ việc bảo quản: phương pháp, thời gian; việc vận chuyển: phương tiện, vật liệu chứa đựng; việc sản xuất: chăm sóc, thu hái, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn an toàn thực phẩm, khám sức khỏe... Tất cả đều có sổ theo dõi chi tiết, có thể truy suất cụ thể, tìm ra vấn đề khi xảy ra sự cố. Sản phẩm chè túi lọc và chè xanh Hương Lý đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. 

Hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm an toàn và hỗ trợ truy suất nguồn gốc là 2 trong số 7 nội dung hỗ trợ trong Đề án nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông - lâm sản và thủy sản trên địa bàn với tổng kinh phí giai đoạn 2019 - 2020 là 10 tỷ 525 triệu đồng. 

Từ năm 2019 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ thực hiện 48 giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm an toàn (hỗ trợ 100 triệu đồng/giấy chứng nhận); hỗ trợ 15 doanh nghiệp, HTX thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ 20 doanh nghiệp, HTX xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc và mua máy in tem sản phẩm; hỗ trợ 22 doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các chương trình hoạt động kết nối cung cầu: tổ chức tuần hàng giới thiệu sản phẩm nông sản tại hệ thống siêu thị trong nước; tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu...  

Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư xây dựng 6 chỉ dẫn địa lý và thực hiện các dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 17 sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó: 3 chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu chứng nhận và 8 nhãn hiệu tập thể. Đây được xem là công cụ quan trọng cung cấp sự bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. 

Tất cả những hỗ trợ đó đã góp phần giúp doanh nghiệp, HTX và nhân dân nâng cao chất lượng sản phẩm, nối gần khoảng cách đến với người tiêu dùng để từ đó đủ sức cạnh tranh với vô vàn sản phẩm trên thị trường, tạo thu nhập cho nhân dân.  

Hoài Anh