Nắm cơ hội từ cây tre măng Bát độ

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/6/2021 | 7:45:46 AM

YênBái - Năm 2021, hộ anh Hà Đình Thao ở thôn Khe Ngang được chọn làm địa điểm ra quân trồng tre măng Bát độ của xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên. Qua nghiệm thu của các cơ quan chức năng và chuyên môn, tỷ lệ cây sống trên diện tích 1 ha tre măng Bát độ trồng mới của anh đạt trên 90%.

Anh Hà Đình Thao chăm sóc cây tre măng Bát độ.
Anh Hà Đình Thao chăm sóc cây tre măng Bát độ.

Kết quả không bất ngờ vì năm nay đã là năm thứ ba, anh Thao tham gia trồng mới tre măng Bát độ. Năm đầu tiên anh bắt đầu trồng cách đây đã bốn năm. Lúc đó, anh cũng trồng 1 ha sau khi quyết định cải tạo vườn tạp với những loại cây kém hiệu quả. Khó khăn nhất với anh ở thời điểm ấy là giống vì phải vận chuyển từ xa về. 

Năm ấy, tre măng Bát độ chỉ đạt tỷ lệ sống 60% - 70%. Do nhà vốn sẵn có vài chục gốc trồng từ lâu nên anh đã khai thác trồng dặm bổ sung diện tích không đạt. Năm 2018, tiếp tục trồng thêm 2 ha, anh rút kinh nghiệm là củ giống tre măng về không trồng ngay mà ủ cho nảy mầm, chọn ngày mưa để đem trồng và tỷ lệ sống đạt tới 95%. 

Anh Thao chia sẻ: "Tôi đã đến tận xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên để học hỏi thêm kinh nghiệm trồng củ giống tre măng Bát độ của người dân địa phương nổi tiếng khắp nơi nhờ loại cây này. Từ những điều học được, biết được và áp dụng phù hợp với thực tế điều kiện đất trồng của gia đình nên mới đạt được kết quả tốt”.

Cũng trong năm đó, anh thử nghiệm không đào hố sẵn như năm đầu tiên mà chỉ cuốc đất vừa đúng với củ giống rồi đặt vào, sau đó dận chặt đất bên trên để che vùi củ giống. Vừa đảm bảo củ giống có chất lượng tốt, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chú trọng việc bón phân và chăm sóc, diện tích trồng mới tre măng Bát độ của nhà anh Thao sinh trưởng và phát triển tốt. 

Năm 2019, anh Thao đã được thu từ 1 ha tre măng Bát độ trồng lứa đầu tiên năm 2017 và năm 2020 tiếp tục được thu từ 2 ha trồng năm 2018. Thị trường tiêu thụ của tre măng Bát độ từ đó đến nay luôn đảm bảo ổn định nhờ việc thu mua tận nơi của Công ty cổ phần Yên Thành. 

Như vụ măng năm ngoái, măng óng được giá 3.000 đồng/kg, măng sơ chế được 4.000 - 4.500 đồng/kg, nhà anh thu về 20 - 30 triệu đồng/ha tre măng Bát độ. Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, ngoài cây tre măng, anh Thao có 2 ha quế 5 - 6 năm tuổi và hơn 1 ha diện tích trồng thanh long. 

Thực tế anh Thao thấy thích cây tre măng Bát độ vì từ năm thứ hai trở đi đã được khai thác và có thu, công chăm sóc cũng nhàn, không vất vả và phức tạp. Mạnh dạn chuyển đổi diện tích vườn tạp, đồi tạp kém hiệu quả của gia đình đã bước đầu cho kết quả khả quan. Điều quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ chưa bao giờ phải lo, cứ khai thác đến đâu là có doanh nghiệp thu mua tận nhà, giá cả ổn định, hiệu quả kinh tế rất rõ ràng, cụ thể. 

Anh Thao cũng đã có thêm sự gắn bó với cây tre măng Bát độ vì từ năm 2020 trở thành Phó Giám đốc Hợp tác xã Tre măng Bát độ Hưng Khánh. Các thành viên Hợp tác xã được mua phân trả chậm giá ưu đãi và sản phẩm được bao tiêu toàn bộ. 

Gắn kết thêm chặt khi sản phẩm được thu mua nhanh chóng, giá cả ổn định từ đầu vụ đến cuối vụ, cạnh tranh với giá thị trường, luôn đảm bảo bằng hoặc cao hơn. Năm 2020, các thành viên đã bán cho Công ty cổ phần Yên Thành 150 tấn măng sơ chế, thu về gần 600 triệu đồng. Ngoài ra, các thành viên còn có cơ hội học hỏi, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây tre măng. 

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên diện tích vườn tạp, đồi tạp là mong muốn của anh bằng sức lao động chính đáng sẽ ngày càng nâng cao thu nhập, làm giàu cho gia đình. Đất có, kiến thức có, sức lao động có, anh Thao đã và đang nắm bắt cơ hội từ cây tre măng Bát độ mang lại.

Nguyễn Thơm