Khẩn trương các phương án phòng, chống thiên tai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/6/2021 | 7:41:54 AM

YênBái - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Yên Bái, từ nay đến cuối năm, sẽ xuất hiện khoảng từ 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Trong đó, có từ 3 - 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới có ảnh hưởng hoàn lưu đến thời tiết tỉnh Yên Bái, có thể gây ra các đợt mưa to đến rất to.

Những trận mưa to xảy ra thường kèm theo lũ ống và lũ quét gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong ảnh: Cầu treo Trấn Thanh 1 xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái bị cuốn trôi do trận mưa lũ ngày 21/7/2018 - (Ảnh: Thủy Thanh)
Những trận mưa to xảy ra thường kèm theo lũ ống và lũ quét gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong ảnh: Cầu treo Trấn Thanh 1 xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái bị cuốn trôi do trận mưa lũ ngày 21/7/2018 - (Ảnh: Thủy Thanh)

Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, môi trường và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) các cấp của tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác PCTT - TKCN. Các sở, ngành, địa phương cần chủ động phương án PCTT của mỗi đơn vị; rà soát toàn bộ trang thiết bị PCTT, đảm bảo vận hành tốt, không để bị động, bất ngờ với phương châm "3 sẵn sàng”: sẵn sàng phòng ngừa chủ động; sẵn sàng ứng phó kịp thời; sẵn sàng khắc phục khẩn trương, hiệu quả. 

Đặc biệt, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm mà Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã nêu tại cuộc diễn tập điểm cấp huyện của tỉnh về công tác PCTT-TKCN ngày 19/6/2021 tại thôn Đồng Hẻo, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. 

Đó là, cần đề cao tinh thần chủ động sẵn sàng của lực lượng, phương tiện tại chỗ cho các tình huống, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng người, từng lực lượng; quán triệt tư tưởng phòng ngừa là chính kết hợp với các biện pháp phòng, chống chủ động, chú trọng thực hiện nghiêm công tác dự báo, cảnh báo, không chủ quan, lơ là; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống lụt bão và TKCN; hoàn thiện và bổ sung các kịch bản, phương án ở mức cao hơn, không để bị động bất ngờ; khi có tình huống xảy ra phải nhanh chóng triển khai theo kế hoạch huy động có hiệu quả, sáng tạo theo phương châm "4 tại chỗ", phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai, bão lụt và TKCN. 

Đặc biệt, cần linh hoạt vận dụng, điều hành các tình huống, đưa ra các giải pháp, phương án cụ thể cho từng tình huống phát sinh. Lưu ý các vấn đề an sinh xã hội sau bão lũ và ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành chỉ đạo tổ chức phòng, chống bão lụt và TKCN, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra.  

Minh Huyền