Như “cây quế giống” ươm xanh đại ngàn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/7/2021 | 7:28:36 AM

YênBái - "Ô, mình chả còn trẻ đâu, cái tuổi của mình, nói như người Mông ở Gốc Sấu này, là lâu lắm rồi đấy! "Lâu lắm rồi đấy" là tuổi 70…” - chất giọng hài hước cùng nụ cười rạng rỡ của ông Phùng Vinh Minh xóa nhòa khoảng cách ngay phút đầu gặp gỡ. Ông Minh là Bí thư Chi bộ thôn, là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thôn Trung Tâm, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Ông Phùng Vinh Minh và anh Hà Văn Hòa bên cầu treo Khe Ngõa.
Ông Phùng Vinh Minh và anh Hà Văn Hòa bên cầu treo Khe Ngõa.

Tháng Hai năm ngoái, thôn Trung Tâm hình thành trên cơ sở sáp nhập thôn Khe Ngõa và thôn Gốc Sấu. Thôn có 117 hộ, đồng bào Dao đỏ chiếm 63,2%, đồng bào Mông là 31,6% và đồng bào Thái, Kinh có 5,2%. Nếu toàn bộ khu Gốc Sấu là đồng bào Mông thì khu Khe Ngõa là đồng bào Dao đỏ sinh sống. Như lời của ông Minh, mối gắn bó của ông trước khi có thôn Trung Tâm là thôn Khe Ngõa. 

Thời gian chảy trôi đã gần chục năm, ông Minh được dân bản tín nhiệm bầu là người có uy tín: "Khó hay không? Không khó. Trước lúc được bầu, mình vẫn luôn nói là làm, làm trước, đi trước. Mình chẳng bao giờ nghĩ rằng làm thế để được bầu là người có uy tín vì đâu biết trước chuyện đó. Nhưng cũng lại rất khó vì đã được dân bầu rồi thì mình phải cố gắng làm cho tốt hơn”. Thật lòng người đàn ông Dao đỏ đã được cấp sắc 12 đèn này chỉ nghĩ sao nói thế, nói sao làm vậy để không bao giờ phải hổ thẹn vì bất cứ điều gì, với bất cứ người nào. 

Đời ông, đời cha, rồi đời mình ở đất Mỏ Vàng, ông Minh không thể nói nổi tình cảm quý trọng, biết ơn như thế nào cho xứng với những điều cây quế đã mang lại cho ông, vợ con, cháu chắt… "Tôi nói với dân bản, ơ hay, sao còn lo lắng khi mương mở rồi, nước đủ rồi, trồng quế đi, dừng chân thôi chứ đi đâu nữa cho mỏi mệt” là thời điểm ông Minh từ Văn Chấn sang đây của thập niên 60 thế kỷ trước. 



Vợ chồng ông Phùng Vinh Minh cùng nhau đọc báo Đảng. 

Đi đầu trồng quế ở Khe Ngõa, có người hỏi trồng nhiều thế làm gì, ông rành rọt: "Trồng mãi vẫn chưa giàu, giàu rồi muốn giàu hơn nên tôi cứ trồng thôi”. Gia sản 42 ha quế của bao tháng bao năm ông Minh cần mẫn gieo ươm đã trở thành của cải giá trị để chia cho 5 con trai, 1 con gái lần lượt lập gia đình riêng. Cây quế đưa cuộc sống thay đổi tích cực, rõ thực thì niềm tin của dân bản ngày càng sâu rễ, xanh cành. 

Trồng mới mỗi năm 30 ha quế, cả thôn hiện có 701 ha quế, nhiều nhất xã. Thu từ quế 3,1 tỷ đồng, thu nhập bình quân năm 2020 của dân thôn Trung Tâm đạt 36 triệu đồng, cao thứ 2 trong xã. Hộ khá, giàu của thôn lên tới hơn 81%, hộ cận nghèo 8,5%; hộ nghèo 4,2%, tương đương 5 hộ, là thấp nhất xã. Trông nhà mình mà ra, ông Minh thấy có kinh tế ổn định thì người dân sẽ có sức, đủ sức, bền sức đóng góp xây dựng các công trình, xây dựng nông thôn mới. 

Rõ là thế, nhớ khi có chủ trương xây dựng Trạm Y tế xã mới, ông chỉ nói thế này: "Người đông dần, muốn nơi chăm sóc sức khỏe rộng hơn, tốt hơn thì bà con có thích hơn không?”. "Có lý đấy” - dân bản nghe, gật, góp 11,6 triệu đồng san tạo mặt bằng xây trạm xá. Công trình này xong, công trình khác tới, ông vận động đồng bào hiến đất, xây dựng tuyến đường Tổng Lự, tuyến đường nối cuối làng đi Khe Ngõa trị giá hàng trăm triệu đồng. 

Tuyến đường Tổng Lự dẫn vào khu trồng quế vô cùng khó đi ngày nào đã trở nên to rộng, thuận tiện nhờ sức người, sức của, hiến đất mở đường của các gia đình. Công trình ấy, ông Minh tự nguyện hiến trên 3.000 m2 đất đồi rừng. Ông cũng hiến hàng trăm mét vuông đất thổ cư, vài sào ruộng để mở rộng tỉnh lộ 175 qua địa bàn. 

Ông kể: "Năm ngoái, nhiều việc phải làm lắm và cũng đã xong hết. Là dân bản góp 11 triệu đồng làm 0,6 km đường điện thắp sáng ban đêm ở khu Trung Tâm này. Là dân bản hiến 600 m2 đất vườn, góp 67 triệu đồng tiền công để hoàn thành 400 m đường bê tông nông thôn bên Khe Ngõa”. 

Đáng nhớ nhất là xây dựng cầu treo Khe Ngõa bởi bao năm người dân ao ước có cây cầu nối đôi bờ suối Ngòi Thia! Bên này Đồng Đang là đất ở, bên kia Khe Ngõa là đất sản xuất, dân bản ngày ngày sáng đi, chiều về bằng mảng vầu, mảng nứa, hôm nào nước lớn thì đành chịu. Có ngày, sáng vẫn ổn, chiều nước dâng cao thì buộc phải ngủ nhờ bên ấy. 

Nhớ lắm nên nhiều người chưa quên sáng kiến làm cầu phao vượt suối của ông Minh: "Từ hình ảnh cầu phao ở bến Âu Lâu ngày xưa, tôi nảy ra ý làm theo bằng cách ghép nhiều cây vầu làm phao, buộc cáp cố định vào cây to ở hai bờ suối rồi đặt ván gỗ lên”. "Vậy là thành công luôn đấy ạ?”. "Không đâu, nhiều người nói chả tin! Tôi phải tự làm phao vầu, bắc ván gỗ, cho chiếc Dream II Việt Nam của mình và vận động vài người mạnh dạn đi thử. Ra xem đông, thấy thích hơn đi mảng và an toàn thì dân bản bảo: "Được đấy!”. Rồi bà con tự nguyện góp vầu, tiền, công làm cầu phao to hơn” - ông Minh vẫn phấn chấn như vừa thử nghiệm thành công cầu phao. "Sứ mệnh lịch sử” của cầu phao tự chế hoàn thành với bước ngoặt: Nhà nước đầu tư xây dựng cầu treo Khe Ngõa. 

Lúc đó, nhà anh Hà Văn Hòa đúng vị trí mố cáp cầu nhưng còn chút khó khăn về san tạo mặt bằng nơi ở mới. Ông Minh gặp gỡ, trao đổi với anh Hòa và bàn bạc, thống nhất với dân thôn đổi đất, hiến đất, tham gia ngày công giải phóng mặt bằng xây dựng cầu trị giá 100 triệu đồng. Cầu treo Khe Ngõa hoàn thành cùng căn nhà mới  của gia đình anh Hòa ngay bên cạnh với dáng vẻ hiện đại, đẹp đẽ, vững chãi là minh chứng của tinh thần đoàn kết, đồng lòng. 

Giống ngày nào, chưa bao giờ nghĩ những việc làm, hành động của mình là để được dân bản bầu làm người có uy tín thì khi nhận quyết định về việc chỉ định làm Bí thư Chi bộ thôn Trung Tâm hồi cuối tháng Ba năm nay của Đảng ủy xã, tâm thế ông không khác. Đặc biệt, ông trở thành Bí thư Chi bộ thôn cao tuổi nhất của Đảng bộ xã: "Nghĩ nhiều đấy vì tuổi đã cao, nhận nhiệm vụ thì làm thế nào cho tốt đây? Bà Liều - vợ tôi động viên thế này: "Đã vót thì vót cho tròn, mình cứ làm như xưa nay vẫn làm”. Nhiệm vụ chính trị quan trọng thời điểm đó, ông cùng Ban Chi ủy thôn lãnh đạo thực hiện thành công 100% cử tri thôn Trung Tâm "đi bầu sớm, bầu đúng, bầu đủ” trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Tháng Sáu, thôn hoàn thành 300 m đường giao thông nông thôn được Nhà nước đầu tư, bà con hiến gần 700 m2  đất vườn và bóc quế hưởng ứng ngay. Từng ngày, ông nhận thấy nhiều điều hay, thuận lợi, tạo "đà” tốt hơn cho nhau khi là Bí thư Chi bộ thôn, là người có uy tín. Ông ngẫm, dù thế nào thì quan trọng nhất vẫn phải là được dân tin, dân tin rồi thì lại phải cố gắng hơn nữa: "Mừng nhất khi thu nộp các khoản tiền, cứ thấy tôi xuất hiện là dân bảo nhau "Có ông Minh thì cứ yên tâm làm theo thôi”. 

Công việc hiện đã nhiều hơn: phải làm sao tiếp tục phát triển kinh tế hiệu quả, làm sao không còn hộ nghèo, phát triển nguồn đảng viên trẻ, hoàn thành nốt 3 tiêu chí để năm sau đạt chuẩn thôn nông thôn mới đúng kế hoạch… nên ông Minh càng phải học hỏi, cố gắng hơn.

Niềm vui những ngày tháng Bảy, 35 hộ dân thôn Trung Tâm đã đồng ý hiến gần 3 ha quế, trị giá khoảng 3 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường nối xã Mỏ Vàng đi xã Viễn Sơn. Ông Minh bảo, đồng bào Mông hay đồng bào Dao cũng đâu có gì khác biệt vì cùng mơ về cuộc sống hạnh phúc, giàu có, văn minh. Đã cùng mơ ước như thế thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua, ông tin dân bản, tin điều đó như cây quế   tươi màu no ấm trên mảnh đất Mỏ Vàng xa xanh. 

Nguyễn Thơm