Nghị lực vượt khó của thương binh Vương Toàn Chất

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/7/2021 | 7:34:48 AM

YênBái - Để có thu nhập 150 - 180 triệu đồng/năm như hiện nay - đó là cả một câu chuyện dài về hành trình vượt khó đầy nghị lực của thương binh 3/4 Vương Toàn Chất ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên.

Mô hình trồng cây nhãn lùn Hưng Yên tại gia đình thương binh Vương Toàn Chất xã Lâm Giang.
Mô hình trồng cây nhãn lùn Hưng Yên tại gia đình thương binh Vương Toàn Chất xã Lâm Giang.

Nhớ về cái thời trai trẻ hào hùng ấy, thương binh Vương Toàn Chất bộc bạch: "Quê tôi ở Kim Động (Hưng Yên), tôi cùng gia đình lên khai hoang tại xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. Tháng 2 /1968, vừa đủ 18 tuổi, tôi viết đơn tình nguyện lên đường vào Nam đánh Mỹ.

 Sau thời gian huấn luyện tân binh tại Đại đội 3, Tiểu đoàn Yên Ninh 2, tôi cùng các đồng đội hành quân bộ vượt Trường Sơn rồi được điều động bổ sung cho các đơn vị miền Đông Nam bộ. Trong hơn 2 năm trực tiếp tham gia chiến đấu nơi chiến trường đầy gian khổ, ác liệt ấy, tôi bị thương nặng cả 2 chân và phải đưa ra Bắc chữa trị. 

Năm 1971, tôi được xuất ngũ với tỷ lệ thương tật 46%, thương binh hạng 3/4. Cuộc sống thật khó khăn khi mất đi hơn 41% sức khỏe do di chứng nhiễm chất độc da can/điôxin. Cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào khoản tiền trợ cấp thương tật". 

Được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn làm mô hình kinh tế trang trại. Bước đầu do thiếu vốn đầu tư, thiếu kiến thức về khoa học, kỹ thuật nên thu nhập kinh tế những năm đầu hiệu quả không cao. 

Không cam chịu cái nghèo, không đầu hàng thất bại - ông Chất tự nhủ thế. Ông mày mò tìm hiểu, học tập các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương, của quê hương Hưng Yên và tìm hiểu qua sách, báo, qua các chương trình khuyến nông trên truyền hình… 

Với lợi thế vùng đất gò, đồi rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế đồi rừng và trồng cây ăn quả, ông khuyên vợ con đầu tư trồng 2 ha sắn cao sản, 2 ha cây quế, 1 ha trồng cây ăn quả gồm 300 cây nhãn lùn Hưng Yên và một số loại cây ăn quả khác như bưởi Diễn, na… Đất không phụ công người khi cây nhãn ghép giống nhãn lùn của quê hương Hưng Yên rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi quê hương thứ 2 của ông. 

Sau 4 năm chăm bón, lứa nhãn lùn đầu tiên cho thu hoạch từ 3-4 tấn quả, thu về từ 60 - 80 triệu đồng/vụ; từ sắn cao sản thu 50 - 60 triệu đồng; từ đồi rừng 25 - 30 triệu đồng; ngoài ra thu nhập từ chăn nuôi trang trại 100 - 120 triệu đồng/năm. Trừ chi phí, hiện nay gia đình ông Chất thu về trung bình từ 150-180 triệu đồng/năm. 

Với những nỗ lực không ngừng, cuộc sống của gia đình ông đã thay đổi từ mô hình phát triển kinh tế trang trại, xây dựng được nhà cửa rộng rãi, khang trang, nuôi dạy con cái trưởng thành. 

Kinh nghiệm qua thất bại và thành công trong phát triển kinh tế được ông Chất chia sẻ với các cựu chiến binh (CCB) và nhân dân trong xã. Từ hiệu quả kinh tế gia đình mình, ông vận động bà con đầu tư trồng cây nhãn lùn cho hiệu quả kinh tế cao, tiến tới hình thành vùng cây đặc sản của xã. Ngoài tích cực phát triển kinh tế gia đình, CCB Vương Toàn Chất còn tích cực tham gia công tác đoàn thể của địa phương, nhiều năm liên tục là Chi hội trưởng Hội CCB thôn Thọ Lâm; Chi hội trưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin xã Lâm Giang - Lang Thíp (Văn Yên). 

Nói về thương binh Vương Toàn Chất, ông Đào Ngọc Thông - Chủ tịch Hội CCB xã Lâm Giang khẳng định: "Thương binh Vương Toàn Chất nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng luôn là một hội viên mẫu mực, tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, đặc biệt là phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Được biết, thương binh Vương Toàn Chất liên tục nhiều năm được UBND, Hội CCB, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Văn Yên khen thưởng trong Phong trào thi đua "CCB gương mẫu”.
Lại Tấn