Linh hoạt các hình thức cung ứng để hàng hóa, nông sản đến tay người dân

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/7/2021 | 9:17:58 PM

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng lực sản xuất các mặt hàng nông sản, thủy sản khá ổn định song cần linh hoạt, đa dạng hình thức cung ứng để hàng hóa đến tay người dân.

Năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp đủ sức cung cấp đủ hàng hóa cho người dân cả nước. (Ảnh minh họa)
Năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp đủ sức cung cấp đủ hàng hóa cho người dân cả nước. (Ảnh minh họa)

Đa dạng hình thức cung ứng nông sản tại các địa phương đang giãn cách

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhưng ngành Nông nghiệp đang nỗ lực phối hợp với các ngành Công Thương, Giao thông Vận tải và địa phương để nâng cao năng lực cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng, không phân biệt "việc anh, việc tôi".

Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với ngành Công Thương và các doanh nghiệp, tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông (Viettel Post, VNPT Post), các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet…) đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ.

Bộ NNPTNT cũng đề xuất xây dựng mạng lưới thông tin liên kết giữa các đơn vị của ngành Nông nghiệp với các chi hội, chi đoàn từ Trung ương tới địa phương và triển khai xây dựng các điểm chuẩn hóa mô hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch tại các thành phố, khu dân cư…

Đặc biệt, tại các tỉnh, thành phố đang phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, cần thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời; nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối.

"Các địa phương tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến. Đồng thời thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng "luồng xanh”, "vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm của người dân tại các địa phương phải áp dụng Chỉ thị 16” - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng tốt trong dịch

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng GDP ngành nông, lâm, thủy sản vẫn đạt 3,82%. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,69%; lâm nghiệp tăng 3,98%; thủy sản tăng 4,25%.

Năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng mạnh, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và tăng trưởng của cả nước. Đến cuối tháng 7.2021, sản xuất nông, lâm, thủy sản cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho hay, về sản xuất lương thực, trong 7 tháng đầu năm, cả nước tập trung gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch các vụ lúa đông xuân, hè thu sớm và gieo cấy vụ hè thu, vụ mùa, vụ thu đông.

Đến cuối tháng 7.2021, dự kiến cả nước thu hoạch ước đạt 6,5 triệu hecta lúa; sản lượng đạt 23,7 triệu tấn (riêng vụ đông xuân 20,5 triệu tấn với năng suất tăng cao đạt 68,3 tạ/ha), đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến, thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.

Về sản xuất thực phẩm, trong 7 tháng đầu năm, sản lượng rau đạt trên 9,8 triệu tấn, tăng 1,2%, đảm bảo phục vụ tiêu dùng trong nước (khoảng 6,98 triệu tấn) và còn khoảng 2,8 triệu tấn rau hàng hóa, sử dụng cho mục đích khác.

Trong 7 tháng đầu năm, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển mạnh, theo đó đàn bò tăng khoảng 2,3%; đàn lợn tăng 6,1%; đàn gia cầm phát triển tốt với mức tăng 4,8%...

Về mặt hàng thủy sản, tổng sản lượng đạt trên 4.900,1 nghìn tấn, tăng 2,2%; trong đó khai thác 2.347,2 nghìn tấn, tăng 1,1%; nuôi trồng 2.552,9 nghìn tấn, tăng 3,3%...

(Theo LĐO)