Bài học rút ra sau vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/8/2021 | 7:36:53 AM

YênBái - Vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong mới đây thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, tình hình đang có dấu hiệu lắng dịu dần. Dù vậy, trên các trang mạng xã hội vẫn có những hình ảnh, bài viết mà bất cứ một người bình thường nào cũng có thể nhận ra đó là trò câu like hoặc luận điệu của những kẻ phản động. Đáng tiếc vẫn có những người nhẹ dạ chia sẻ, bình luận.

Di ảnh của quân nhân Trần Đức Đô.
Di ảnh của quân nhân Trần Đức Đô.

Là một người dân bình thường, không tiếp cận vụ án, không trực tiếp có mặt nơi em Đô đóng quân và không có mặt tại hiện trường, qua theo dõi, tôi nhận thấy cần rút ra những bài học để lỡ không may những vụ việc tương tự xảy ra, chúng ta có thể giải quyết vụ việc một cách an toàn, chính xác, tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải và pháp luật, không để kẻ xấu lợi dụng gây rối.

Trước hết, chúng ta cần nhận thức rằng, môi trường quân đội là môi trường kỷ luật và được quản lý khá chặt chẽ. Tuy nhiên, đó không phải là môi trường không xảy ra những vụ việc vi phạm kỷ luật và pháp luật. Chính vì thế, quân đội cũng có viện kiểm sát quân sự, tòa án quân sự, cơ quan thanh tra kiểm tra… Ngay trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng có trại cải tạo của quân đội, nơi giam giữ và cải tạo những quân nhân vi phạm pháp luật, bị tước quân tịch, bị tuyên án phạt tù. 

Khi em Đô tử vong, chỉ có những thông tin kiểu như: "đã bắt được thủ phạm”, "em Đô bị sát hại rồi tạo hiện trường giả”, "em Đô bị ép treo cổ”… mới thỏa mãn được thị hiếu của một bộ phận người đọc hiếu kỳ! Bên cạnh mưu đồ xấu xa của các thế lực thù địch, bọn phản động và bất mãn, tại sao không ít người bình thường lại có chung những ý nghĩ như vậy? Sao không bình tĩnh đợi kết luận điều tra, đợi phát ngôn chính thức từ cấp có thẩm quyền? Người làm pháp y có câu nói rất hay: "Xác chết không biết nói dối”. 

Với trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn cộng với phương tiện kỹ thuật, khoa học pháp y không khó có thể chứng minh được nguyên nhân tử vong, đặc biệt là chết trước khi bị treo cổ hay treo cổ mà chết. Kết luận giám định pháp y trong vụ Trần Đức Đô tử vong do tự sát hoàn toàn tin cậy bởi có đến 5 cơ quan điều tra trong và ngoài quân đội cùng vào khám nghiệm. 

Chưa kể, các ngành chức năng còn điều tra, xem xét vụ việc ở nhiều góc độ khác nhau (lấy lời khai của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là chiến sĩ là đồng ngũ, đồng hương… với quân nhân Trần Đức Đô). Xin hỏi, ai có khả năng bịt miệng được hàng trăm cán bộ, chiến sĩ; ai có thể đổi trắng, thay đen trước những bằng chứng khoa học, nhân chứng cụ thể? Câu trả lời chắc chắn là không và như vậy, kết luận về nguyên nhân tử vong của quân nhân Trần Đức Đô hoàn toàn tin cậy.

Theo dõi diễn biến vụ việc cho chúng ta thấy, truyền thông chính thống vào cuộc chậm so với các fanpage, trong khi phần lớn các fanpage lại đưa tin lập lờ, không kiểm chứng. Đặc biệt, các trang phản động đã lợi dụng vụ việc để bịa đặt, xuyên tạc, kích động nhân dân, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chế độ, quân đội. 

Đây là một bài học cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm để khi có vụ việc nghiêm trọng xảy ra cần có những phát ngôn chính thức, trên các phương tiện truyền thông chính thức để định hướng dư luận. Việc lựa chọn thông tin để cung cấp cho báo chí một cách kịp thời không chỉ định hướng được dư luận, ổn định được tình hình mà đôi khi còn giúp công tác điều tra thu được kết quả. 

Các ngành chức năng cần phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc những trường hợp lợi dụng tự do ngôn luận, đưa những thông tin sai sự thật, tuyên truyền, kích động người dân, phỉ báng chế độ… gây bất ổn xã hội. 

Cuối cùng, cần đẩy mạnh tuyên truyền về bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội, về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, để mỗi công dân tự hào, nhận thức đúng: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.

Lê Phiên