Vươn lên giữa đời thường

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/8/2021 | 7:24:51 AM

YênBái - “Gương mẫu, nghị lực, dám nghĩ dám làm” là lời nhận xét của Đảng ủy, chính quyền và các hội viên Hội Cựu Chiến binh (CCB) xã Yên Thành, huyện Yên Bình về thương binh, CCB Nguyễn Văn Toàn ở thôn Trung Tâm.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Toàn giới thiệu mô hình nuôi ong mật.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Toàn giới thiệu mô hình nuôi ong mật.

Từ một gia đình nghèo, giờ đây ông Toàn đã gây dựng cho mình một cơ ngơi khang trang và tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/ tháng.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Trung Tâm, xã Yên Thành - xã đặc biệt khó khăn, năm 1972, theo tiếng gọi của Đảng, ông Toàn nhập ngũ vào bộ đội. Sau gần 10 năm tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam rồi sang giúp nước bạn Cam Pu Chia, năm 1981 ông Toàn xuất ngũ và hưởng chế độ thương binh hạng 1/4. 

Năm 1982, được Đảng ủy, chính quyền và nhân dân tín nhiệm, ông Toàn tham gia công tác tại địa phương và giữ các chức vụ: phó bí thư đảng ủy, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã, chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc xã cho đến năm 2013 thì được nghỉ chế độ.

Mặc dù, di chứng của chiến tranh vẫn thường xuyên đeo bám, nhất là khi trái gió, trở trời, lá phổi do sức ép bom lại làm ông Toàn khó thở, toàn thân đau ê ẩm. Song, chính những lúc khó khăn ấy lại càng nhắc nhở ông phải cố vượt qua để tạo lập cuộc sống gia đình. Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ông miệt mài phát nương, cải tạo đất, biến 3 ha đồi hoang thành những rừng keo xanh tốt. 

Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, ông Toàn cùng vợ con trồng thêm sắn, khoai và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Khi đã giải quyết được cái ăn, cái mặc, ông bắt đầu tính chuyện làm giàu. Theo đó, năm 2012, khi đi tham quan một số mô hình kinh tế tại tỉnh Tuyên Quang, ông Toàn thấy người dân nuôi ong lấy mật cho thu nhập khá nên ông nghiên cứu thêm sách báo và  đầu tư gần 20 triệu đồng để nuôi ong.

Ông Toàn cho biết: "Nuôi ong tận dụng được lợi thế hoa rừng tại địa phương. Mật ong bắt đầu cho khai thác từ tháng 3 đến hết tháng 6 hàng năm. Sau đợt khai thác mật chính, đến tháng 8, tôi bắt đầu nhân giống ong. Với mỗi đàn ong gây được, tôi tiếp tục đầu tư nhân thêm lượng đàn. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay, tôi thường xuyên nuôi 80 - 100 đàn ong, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 400 lít mật với giá 150.000 đồng/ lít và trừ chi phí còn thu nhập trên 60 triệu đồng”. 

Nhận thấy địa phương có nhiều đồi rừng, bà con mỗi khi khai thác gỗ phải vận chuyển xa, thương lái ép giá, năm 2016, ông Toàn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 200 triệu đồng cùng số tiền tích lũy được để mua máy xẻ mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng vừa có thêm thu nhập vừa tạo việc làm cho con cái và một số hộ trong vùng. "Xưởng xẻ của tôi có 2 máy xẻ và thường xuyên tạo việc làm ổn định cho 5 công nhân với mức thu nhập 5 - 6  triệu đồng/người /tháng” - ông Toàn chia sẻ. 

Nhờ nhạy bén kinh doanh, chú trọng chất lượng sản phẩm, nên mặt hàng gỗ xẻ của ông Toàn sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó và chủ yếu bán cho một số công ty ở Hải Phòng để xuất khẩu. Bình quân mỗi tháng sau khi trừ chi phí, ông Toàn thu lãi trên 20 triệu đồng. 

Chị Hoàng Thị Loan - nhân công làm việc tại xưởng cho biết: "Từ khi làm việc tại xưởng xẻ gỗ của ông Toàn, chúng tôi luôn được ông quan tâm bố trí công việc phù hợp với khả năng từng người và có công việc ổn định nên tôi rất phấn khởi, yên tâm làm việc”.

Với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông Toàn đã vươn lên đưa gia đình thoát khỏi nghèo khó. Bản thân nhiều năm liền được bầu là hội viên CCB sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông Hoàng Trung Nghĩa - Chủ tịch Hội CCB xã Yên Thành cho biết: "Ông Nguyễn Văn Toàn không chỉ là một thương binh, một hội viên gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế để các hội viên, nhân dân cùng học tập, làm theo”.                               
Trần Ngọc