Gương sáng ở Ba Khe

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/8/2021 | 7:47:20 AM

YênBái - Đời sống gia đình ông Hoàng Văn Cửu ở thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn trước đây tương đối khó khăn về kinh tế nhưng đã dần dần từng bước được nâng lên nhờ ông đã biết phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương. Đồng thời, ông tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa...

Ông Hoàng Văn Cửu giới thiệu với khách hàng về chất lượng sản phẩm gạch xi măng của gia đình.
Ông Hoàng Văn Cửu giới thiệu với khách hàng về chất lượng sản phẩm gạch xi măng của gia đình.

Ông Hoàng Văn Cửu tâm sự, muốn thoát khỏi đói nghèo, trước tiên mình phải xác định rõ hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình. Với suy nghĩ đó, ông mạnh dạn vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn cùng với số vốn ít ỏi của gia đình để đầu tư mua máy sản xuất gạch xi măng. 

Sau 17 năm gắn bó với nghề, xưởng gạch của ông hiện luôn ổn định sản lượng trên 2 vạn viên gạch/tháng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. 

Với mục tiêu phấn đấu không ngừng tăng thu nhập cho gia đình, năm 2010, ông tiếp tục đầu tư xây dựng thêm mô hình phát triển nuôi ba ba gai. Ban đầu, dù gặp nhiều khó khăn về kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nhưng với ý chí vươn lên, ông Cửu vừa làm vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm nên ông đã xây dựng thành công mô hình này. Hiện nay, gia đình ông có 5 ao nuôi thả trên 300 cặp ba ba gai bố mẹ để chuyên gây giống. 

Ông Cửu cho biết, muốn ba ba phát triển tốt thì phải chọn con giống tốt, nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh, môi trường. Đồng thời, phải có thức ăn đều đặn để giúp ba ba lớn nhanh, có đủ sức đề kháng các loại dịch bệnh. Bằng cách làm này, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và riêng năm 2020, gia đình ông Cửu xuất bán ra thị trường trên 2.000 con ba ba giống với giá bán từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng/con, đem về nguồn thu trên 400 triệu đồng. 

Ngoài mô hình nuôi ba ba gai, sản xuất gạch xi măng, ông Cửu còn tích cực trồng rừng kinh tế. Hiện nay, ông có trên 3 ha quế đang trong giai đoạn cho thu hoạch bằng tỉa thưa cây, thưa cành lá. Cùng đó, ông còn làm thêm dịch vụ xay xát nên tổng thu nhập của gia đình ông đạt khoảng 700 triệu đồng/năm. 

Là người sống có tâm, ông Cửu đã đem hết "bí quyết” của sự thành công trong phát triển kinh tế làm giàu của bản thân mình để chia sẻ với mọi người. Theo đó, nhiều hộ tại địa phương đã tích cực học tập và làm theo nên nhiều nhà đã có cuộc sống ổn định như hộ ông Sa Quang Huy ở thôn Ba Khe, ông Nguyễn Văn Vị, Đoàn Vũ Nghề cùng ở thôn Văn Hưng… 

Đồng thời, từ những hạt nhân như ông Cửu, hiện nay, ở xã Cát Thịnh có khoảng 300 hộ làm nghề nuôi ba ba gai và những hộ đó chủ yếu tập trung tại thôn Ba Khe và Văn Hưng. 

Cùng đó, nhiều hộ hiện vẫn đang tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang đầu tư xây dựng ao nuôi ba ba. Ông Hoàng Văn Cửu cho hay: nếu người dân ở thị trấn Nông trường Trần Phú thoát nghèo bằng trồng cây ăn quả như: cam, quýt thì tại xã Cát Thịnh người dân lại thoát nghèo nhờ phát triển nuôi ba ba gai. Đồng thời, muốn thoát nghèo thì cũng có nhiều cách làm khác nhau và mỗi người hãy tự lựa chọn cho mình những mô hình phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và hoàn cảnh của gia đình. Đặc biệt, cần phải linh hoạt, chủ động tìm tòi, học hỏi và sáng tạo với những cách làm hay, cách làm mới theo hướng sản xuất hàng hóa”... 

Ông Sa Văn Tá - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh nhận xét: "Gia đình ông Hoàng Văn Cửu là một trong những hộ khó khăn, nhưng nhờ có sự định hướng, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và biết tự lực phấn đấu vươn lên, nên gia đình ông đã có mô hình kinh tế tổng hợp mang lại thu nhập cao, ổn định cho gia đình”. 

Với tinh thần tự lực vươn lên, ông Hoàng Văn Cửu đã trở thành tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Cát Thịnh cũng như huyện Văn Chấn. 

Chí Sinh