Thịnh Hưng huy động nguồn lực hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/8/2021 | 10:54:56 AM

YênBái - Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2022, đường giao thông nông thôn (GTNT) của xã bê tông hóa 100%, hướng tới mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao vào những năm tiếp theo, những năm qua, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống GTNT.

Nhân dân thôn Hơn bê tông hóa đường ngõ xóm.
Nhân dân thôn Hơn bê tông hóa đường ngõ xóm.

Chúng tôi về thôn Hơn khi 5 hộ dân trong xóm đang tham gia đổ bê tông đường vào xóm. Ông Phạm Xuân Vụ - người trong thôn Hơn cho biết: "Khi xã có chủ trương hoàn thiện hệ thống đường GTNT, tôi cùng với 4 hộ dân đã tự nguyện đóng góp hơn 10 triệu đồng, đồng thời hiến thêm đất vườn tạp để mở rộng lòng lề đường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của các hộ dân trong xóm”. 

Bằng sự đồng thuận của các hộ dân, chỉ trong một ngày, 130 m đường bê tông nông thôn với chiều rộng 2,5 m, dày 14 cm, tổng giá trị công trình 34 triệu đồng đã hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của 5 hộ dân trong xóm. 

Bà Lê Thị Thuận, người dân thôn Hơn cho biết: "Mặc dù gia đình tôi không sống ở đây nhưng lại có hơn 3 sào ruộng canh tác nên thường xuyên đi qua đoạn đường này, khi thấy các hộ dân đóng góp tiền để làm đường bê tông, tôi đã tự nguyện đóng 3 triệu đồng cùng với 5 hộ dân trong thôn để làm đường. Tôi nghĩ vì trách nhiệm và mục tiêu chung là mang lại diện mạo mới cho làng quê thì đóng góp là việc nên làm”. 

Xác định phát triển hạ tầng GTNT là "đòn bẩy" phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc xã, ban công tác mặt trận thôn đã tập trung tuyên truyền vận động, để người dân hiểu rõ xây dựng đường giao thông là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. 

Mục tiêu chủ yếu là sản xuất phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và người dân có vai trò là chủ thể quan trọng. Từ đó đã tích cực tham gia bằng các việc làm cụ thể như: hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường. 

Năm 2016, xã Thịnh Hưng được công nhận đạt chuẩn NTM, tuy nhiên hệ thống đường bê tông nông thôn của xã mới đạt tỷ lệ 60%, nhiều tuyến đường ngõ, xóm vẫn là đường đất, so với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu như hiện nay của địa phương là không còn phù hợp. 

Do vậy, xã Thịnh Hưng đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước theo cơ chế 30 - 70 (nhân dân đối ứng kinh phí 30%, Nhà nước hỗ trợ 70%), Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết về việc nâng cấp và mở rộng các tuyến đường. Chủ trương nghị quyết đưa ra phải làm đường rộng đạt tiêu chí 2 m trở lên. 

Theo đó, xã đã xây dựng kế hoạch, giao cho các xóm chủ động đăng ký, tự lựa chọn nhà thầu thi công. Mọi khoản tiền thu, chi đều được công khai, thông báo rộng rãi đến từng hộ dân. 

Để vừa sức dân, các xóm làm đường cũng quy định đóng góp tiền đối ứng của các hộ thành nhiều lần. Với cách làm này, từ đầu năm đến nay, nhân dân trong xã đóng góp trên 1 tỷ đồng, hàng trăm ngày công lao động để bê tông hóa được 2,1 km các tuyến đường ngõ xóm, phấn đấu đến cuối năm 2020 xã sẽ đạt mục tiêu bê tông hóa được 3,5 km đường bê tông ngõ xóm. 

Nhờ đó đến nay, tỷ lệ đường giao thông nông thôn của xã được bê tông hóa đạt 80%, những con đường lầy lội trước đây đã dần được thay thế bằng những con đường bê tông phẳng lỳ đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa của nhân dân.

Ông Lương Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng cho biết: "Với mục tiêu đến năm 2022, tỷ lệ đường nông thôn của xã được bê tông hóa đạt 100% để năm 2023 xã hoàn thành mục tiêu đạt xã NTM nâng cao, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp tiền, công lao động, hiến đất tạo mặt bằng để bê tông hóa đường làng ngõ xóm. Nhờ làm tốt việc huy động sức dân mà những con đường "ý Đảng - lòng dân” đã hiện hữu ngày càng nhiều, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc”. 

Thanh Tân