Làm tốt hơn nữa tự phê bình và phê bình

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/8/2021 | 7:47:37 AM

YênBái - Một trong những nội dung quan trọng của các buổi sinh hoạt Đảng chính là tự phê bình và phê bình, tự nhìn thấy khuyết điểm của bản thân, nhìn thấy khuyết điểm của đồng chí mình, của tập thể mình để cùng nhau khắc phục, sửa chữa. Đây là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng và phải làm thường xuyên và liên tục. Nhưng làm gì cũng phải có phương pháp đúng nhằm đạt kết quả tốt nhất trong tự phê bình và phê bình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong bài báo "Tự phê bình, phê bình, sửa chữa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra khái niệm: "Tự phê bình là cá nhân (cá nhân hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm. Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ. Mục đích của tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ”. 

Vì vậy, việc tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ sự chân thành, thẳng thắn và cái tâm trong sáng, qua đó giúp bản thân mình, đồng chí mình tiến bộ. Phải tránh xa việc lợi dụng phê và tự phê để bôi nhọ, hạ bệ lẫn nhau. 

Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ về khuyết điểm của bản thân để sẵn sàng đón nhận những ý kiến phê bình, góp ý để phát huy mặt tốt, khắc phục mặt yếu để tiến bộ và trưởng thành. Khi được đồng chí, đồng nghiệp góp ý, phê bình bằng tinh thần xây dựng, bằng thái độ chân thành, hãy bình tĩnh lắng nghe, đừng vội vàng phản ứng! 

Nếu thấy đúng thì đừng tìm mọi cách bao biện. Nếu đồng chí, đồng nghiệp chưa hiểu rõ vụ việc, đánh giá sai về mình thì có thể giải thích một cách cặn kẽ, thẳng thắn và cần tôn trọng trên tinh thần cầu thị. 

Đừng bao giờ "để bụng” khi đồng chí, đồng đội, đặc biệt là cấp dưới góp ý, phê bình! Làm vậy bản thân sẽ không tiến bộ được mà chúng ta đã triệt tiêu tính dân chủ, ý thức đấu tranh phê bình và tự phê bình trong tổ chức.

Trước những khuyết điểm của đồng chí, đồng đội, hãy xuất phát từ tình yêu thương mà góp ý. Hãy coi tự phê bình và phê bình như việc "rửa mặt hằng ngày”! Từ đó, giúp nhau cùng tiến bộ. Tự cao, tự đại, luôn cho mình là đúng đắn, "bỏ ngoài tai” những lời góp ý, phê bình, không tự giác phê bình mà tìm mọi cách để giấu giếm, bao che, đổ lỗi, cá biệt còn trù úm những người thẳng thắn phê bình, đóng góp, xây dựng… 

Đó chắc chắn là những cán bộ không thấm nhuần đạo đức cách mạng, càng không xứng đáng là cán bộ, đảng viên của Đảng.

Lê Phiên