Phúc Sơn mở rộng sản xuất lúa hữu cơ

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/8/2021 | 11:08:48 AM

YênBái - Từ năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Nông sản hữu cơ Phúc Sơn ở xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gạo hữu cơ với diện tích tập trung 1,5 ha, giúp người sản xuất thay đổi tập quán canh tác theo hướng “sạch”, không phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chất kích thích.

Người dân xã Phúc Sơn trao đổi kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ.
Người dân xã Phúc Sơn trao đổi kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ.

Gia đình bà Hà Thị Cươi ở thôn Lụ 2 có 1.200 m2 ruộng trong diện tích tập trung sản xuất gạo hữu cơ. Từ khi sản xuất theo phương pháp hữu cơ, bà Cươi mặc dù đã 60 tuổi vẫn có thể thực hiện các công đoạn trong sản xuất. Bà Cươi cho biết: "Với phương pháp canh tác lúa tự do như trước kia, mỗi khi đến công đoạn phun thuốc BVTV, tôi thường phải thuê người vì già rồi phun một lúc là hoa mắt, chóng mặt. Nhưng, với phương pháp hữu cơ, tôi hoàn toàn có thể tự mình chăm sóc diện tích lúa của gia đình”. 

Cụ thể, bà Cươi sử dụng phân chuồng ủ với chế phẩm vi sinh Emic để làm phân bón; sử dụng lá xoan, riềng, tỏi, ớt, nước măng chua nghiền nhuyễn ngâm rượu thay thế thuốc BVTV; sử dụng dung dịch sulfat đồng với vôi để phòng trừ nấm, bệnh hay bổ sung đạm, kali bằng cách ngâm lên men cá, ốc bươu vàng và quả chuối, xoan… 

Cách làm này không chỉ được gia đình bà Cươi mà toàn bộ các hộ tham gia HTX đều áp dụng. Thấy rõ được lợi ích của phương pháp canh tác hữu cơ, nhiều hộ còn thay đổi thói quen canh tác, áp dụng cho toàn bộ diện tích lúa của họ. 

Chị Lò Thị Máy chia sẻ: "Tham gia vào HTX, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật sản xuất hữu cơ, được hỗ trợ các chế phẩm sinh học, thùng ủ, các thiết bị phun… Giờ đây, tôi đã quen với cách canh tác này nên toàn bộ diện tích lúa của gia đình bao gồm 600 m2 trong diện tích hữu cơ và 2.400 m2 ruộng ở ngoài đều được canh tác hữu cơ. Với phương pháp này, không chỉ cung cấp sản phẩm an toàn với người tiêu dùng mà cả người sản xuất cũng được đảm bảo sức khỏe, tiết kiệm từ 2 - 3 triệu đồng chi phí sản xuất, giá trị sản phẩm lại được tăng gấp 3 lần, năng suất đạt 5 tấn/ha, được HTX bao tiêu toàn bộ với giá 15.500 đồng/kg thóc, thu nhập đạt gần 5 triệu đồng/vụ/600 m2”.

Năm 2019, từ mô hình sản xuất lúa Séng cù theo hướng hữu cơ do Chương trình Vùng, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ, người dân xã Phúc Sơn đã được hỗ trợ để thay đổi tập quán canh tác. Năm 2020, HTX Nông nghiệp hữu cơ Phúc Sơn được thành lập với 12 thành viên có diện tích sản xuất trong mô hình. HTX cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm gạo hữu cơ do các thành viên HTX sản xuất trong vùng quy hoạch. Sản phẩm còn có nhãn mác, bao bì, logo... 

Chị Lường Thị Thiết - Phó Giám đốc HTX cho biết: "Hiện, HTX sản xuất được 3 tấn gạo mỗi vụ, với giá bán 45.000 đồng/kg và đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Sản phẩm gạo của HTX cũng đang được Công ty TNHH Quốc tế AnBiO (Hà Nội) đăng ký làm nhà phân phối; vì vậy, chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục để đạt chứng nhận PGS - một chứng nhận giúp đảm bảo thực phẩm là hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS. Đồng thời, sản phẩm cũng đang hoàn thiện các hồ sơ để đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm nay”. 

Những lợi ích khi sản xuất hữu cơ đã thấy rõ, người dân Phúc Sơn có nhu cầu tham gia vào mô hình sản xuất gạo hữu cơ ngày càng nhiều. Bởi vậy, UBND xã Phúc Sơn đã tiến hành khảo sát, tìm các vùng sản xuất phù hợp với các điều kiện để sản xuất hữu cơ như: nguồn nước sạch trực tiếp từ khe suối, không bị ô nhiễm; ở vùng sản xuất độc lập; thuận tiện đường sá đi lại… để mở rộng vùng sản xuất. Theo đó, xã đã quy hoạch được 1 ha tại thôn Bản Muông và thôn Bản Hán. Xã đang tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ để kiểm nghiệm các điều kiện, đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức sản xuất hữu cơ cho nhân dân.

Hoài Anh