Tiếng chổi ông Mâu

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/9/2021 | 7:55:40 AM

YênBái - “...Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng; đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có tín nhiệm lớn; phụ lão hô nhân dân hưởng ứng, phụ lão làm nhân dân làm theo...” - những nội dung ấy trong “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1941 đã được ông Hoàng Thế Mâu ở thôn 2 - xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ khắc cốt ghi tâm từng câu, từng chữ.

Ông Hoàng Thế Mâu tự nguyện quét dọn, giữ vệ sinh môi trường đường thôn mỗi ngày.
Ông Hoàng Thế Mâu tự nguyện quét dọn, giữ vệ sinh môi trường đường thôn mỗi ngày.

Lời hiệu triệu được ông cẩn thận, nắn nót chép lại lên tờ giấy đôi vở ô ly sạch đẹp và đóng vào khung. Lời căn dặn của Bác đã ăn sâu vào suy nghĩ, hành động, thế nên ông trở thành người tình nguyện quét dọn đường thôn suốt 40 năm nay, được bà con nơi này gọi là "ông vệ sinh môi trường”. 

Bất kể trời nắng hay mưa, ngày nào cũng vậy, cứ tờ mờ sáng, tiếng chổi ông Mâu lại lặng lẽ trên đoạn đường chính của thôn. Hôm nào đường nhiều rác và lá thì ông vun đống xúc vào chiếc xe rùa đẩy đến tận bãi đất trống rộng rồi đốt. 

Hôm nào đường nhiều đá, vật liệu xây dựng thì ông hót đem đến điểm tập kết phù hợp. Đường khô bụi quá, trước lúc quét, ông xách can nước đi tưới qua trước cho ngấm bụi. Không chỉ quét dọn, khi nào 2 bên rãnh đường có nhiều đất, đá do mưa bão chảy đọng, ông lại hót đất cát, khơi thông tránh ùn tắc. Có lúc 2 bên mép đường bị xói lở, ông cất công đánh những mảng cỏ về trồng để giữ đất. Cứ như thế, con đường thân thuộc từ lúc là đường đất cho đến khi trải cấp phối và được bê tông hóa ngày nào cũng sạch đẹp, an toàn. 

Chứng kiến việc làm của ông Mâu, bà Đặng Thị Thư - người dân trong thôn tỏ lòng cảm kích: "Tôi rất khâm phục việc làm của ông Mâu. Thấy ông Mâu làm vậy, nhiều người dân trong thôn cũng có ý thức hơn rất nhiều trong việc giữ gìn sự sạch đẹp chung của đường thôn ngõ xóm”.

Không dừng lại ở tuyến đường chính trong thôn, thấy tuyến đường bao quanh phía bên ngoài thôn chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên chưa có ý thức cao trong công tác vệ sinh môi trường, ông tiếp tục tranh thủ quét dọn cả thể. Việc làm của ông đã làm chuyển biến ý thức của nhiều hộ dân trên tuyến đường. 

Chị Nguyễn Thị Diện có nhà trên tuyến đường này bảo rằng: "Trước đây mặc dù là đường đã được đầu tư đổ bê tông nhưng chưa sạch đẹp. Các gia đình không để ý quét dọn trước cổng cũng như toàn tuyến đường; bà con đi chăn thả gia súc thì để trâu bò phóng uế bừa bãi cũng không hót; xe chở vật liệu đi qua rơi vãi thì mọi người cũng cho rằng không phải việc của mình. Hành động cần mẫn tự nguyện của ông Mâu đã tác động tới ý thức của các hộ dân. Giờ đây, nhà nào nhà đấy tự giác quét dọn khu vực trước cổng, hàng tháng cùng nhau lao động từ 1- 2 buổi dọn dẹp, quát quang đường làng, ngõ xóm”.

Từ ngày bà con tích cực vệ sinh môi trường tuyến đường bao quanh thôn, ông Mâu lại tập trung trở về với đoạn đường chính, gắn bó suốt 40 năm nay. Những năm gần đây, các đoàn thể trong thôn đã trồng các lu hoa để cảnh quan đường thôn thêm sạch đẹp, ông Mâu lại nhận chăm sóc các lu hoa ở những đoạn mà không có nhà dân ở. 

Ngoài công việc quét dọn đường, ông Mâu còn thường xuyên kiểm tra độ an toàn của chiếc cầu treo trên địa bàn. Khi phát hiện những biểu hiện xuống cấp, hư hỏng của cầu, ông báo chính quyền để nắm bắt, sửa chữa. Những hư hỏng nhẹ như bung tấm ván hoặc long con ốc nhỏ thì ông tự tay sửa lại. Ông Mâu cũng tranh thủ những lúc rảnh rỗi để quét dọn cả nhà văn hóa thôn.

Thấy việc làm hữu ích của ông, các đoàn thể, thôn xóm muốn hỗ trợ ông tiền mua vật dụng phục vụ công việc quét dọn nhưng ông một mực từ chối. Mỗi tháng, ông Mâu thay 1 - 2 chiếc chổi. Tính toán chi li thì 40 năm qua, ông Mâu không chỉ tự nguyện bỏ công sức mà còn bỏ ra đến vài chục triệu đồng để phục vụ việc quét dọn nhưng bản thân ông chẳng bao giờ nghĩ ngợi gì tới việc đó. Với ông thì: "Nhớ lời Bác dạy nên tôi làm được gì có ích cho gia đình, xã hội thì cố gắng làm thôi”. 

87 tuổi, ông Mâu giờ sức khỏe cũng giảm song ông bảo còn làm được ngày nào thì vẫn làm. Còn bà con thôn xóm vẫn bông đùa câu nói với ẩn ý của cả sự biết ơn: "Hôm nào ông Mâu không quét dọn đường thôn xóm là ông không chịu nổi đâu”. 

Thu Hạnh