Ngưỡng mộ 3 anh em ruột trường y xung phong lên tuyến đầu chống dịch

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/9/2021 | 9:44:37 AM

Quách Thiều Minh, Quách Gia Nghi, Quách Minh Anh - 3 anh em ruột xung phong trở thành tình nguyện viên tham gia công tác chống dịch. Cả 3 anh em đều là sinh viên trường Đại học Y Dược TPHCM.

Thiều Minh (sinh năm 1998) theo học ngành Bác sĩ Đa khoa, còn Gia Nghi (sinh năm 1999) và Minh Anh (sinh năm 2002) đều dành trọn đam mê với trở thành Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt.
Thiều Minh (sinh năm 1998) theo học ngành Bác sĩ Đa khoa, còn Gia Nghi (sinh năm 1999) và Minh Anh (sinh năm 2002) đều dành trọn đam mê với trở thành Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt.

Mỗi ngày cứ khoảng 7 giờ sáng, 3 anh em cùng xuất phát từ nhà, tỏa ra các quận khác nhau để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch. Thiều Minh tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở quận 6, Gia Nghi là thành viên của đội tiêm vắc xin tại quận Tân Bình, còn Minh Anh thực hiện lấy mẫu ở quận 5.

Chia sẻ về công việc hằng ngày, Quách Thiều Minh kể: "Công việc hàng ngày của mình bao gồm chuẩn bị dụng cụ bảo hộ, đo sinh hiệu trước tiêm và theo dõi biến chứng sau tiêm. Thường các địa điểm tiêm hoạt động từ 7 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều, một số địa điểm tiêm khác hoạt động buổi tối thì chúng mình cũng cần linh hoạt theo địa phương. Sau khi làm việc, mình hoàn tất việc báo cáo hoạt động hằng ngày của một đội trưởng, cũng như trao đổi với địa phương để chuẩn bị nhân lực và thiết bị cho công việc sắp tới cho cả đội".

Còn Minh Anh thì bộc bạch: "Đầu ngày mình thường tập trung tại trung tâm phòng chống dịch quận 5 để chuẩn bị những vật dụng cần thiết rồi lên xe của phường để đến địa điểm lấy mẫu. Ở điểm lấy mẫu, nhóm mình sẽ phải tìm chỗ thích hợp để đặt bàn ghế, khiêng dù (một số phường sẽ hỗ trợ sẵn cho tụi mình nhưng có một số phường thì không đủ nhân lực). Sau khi bố trí chỗ lấy mẫu thì nhóm sẽ phân chia công việc cho từng bạn.

Có 4 việc chính là điều phối, lấy mẫu, viết code và test nhanh. Mình đã có kinh nghiệm làm 3 trong 4 công việc trên, còn lấy mẫu thì do mình mới là sinh viên năm nhất nên việc này các anh chị lớn sẽ đảm nhiệm. Sau khi đã lấy mẫu hết cho mọi người, thường là từ 4-7 tiếng đồng hồ, tụi mình sẽ dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn rồi lên xe của phường để về lại trung tâm phòng chống dịch".

Trước khi cả 3 anh em quyết định tham gia "cuộc chiến" chống dịch, họ cũng có những nỗi lo lắng riêng. Đó là: "Lo sợ bị nhiễm bệnh, lo trở thành gánh nặng cho gia đình khi trực tiếp tham gia tại những địa điểm có nguy cơ cao. Nhưng rồi, mình cảm thấy việc được góp một phần công sức nhỏ bé đẩy lùi dịch bệnh là điều hết sức cần thiết. Sau khi tìm hiểu kỹ về những nguy cơ và hiểu rõ cách bảo vệ bản thân, mình quyết định đăng ký làm tình nguyện viên. Mình bắt đầu công việc từ đầu tháng 6, sau đó hai em của mình cũng đồng lòng góp sức vì cộng đồng".

Cả 3 anh em giữ quan điểm: "Là một công dân được huấn luyện về kỹ năng y khoa, công việc chống dịch nếu không bắt đầu từ bản thân thì ai sẽ là người góp sức".

Những ngày Sài Gòn "ốm", khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng nhiệt huyết tuổi trẻ được cống hiến giúp Minh và 2 em vượt qua câu chuyện tâm lý để hoàn thành nhiệm vụ. Khó khăn đầu tiên là luôn phải chuẩn bị tinh thần cho việc thay đổi chiến lược chống dịch liên tục để phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

"Kể từ khi dịch bệnh bùng phát cho đến nay, mình đã là một người lấy mẫu, một nhân viên hậu cần, một người hỗ trợ tiêm vắc xin, người điều động tình nguyện viên. Khó khăn tiếp theo là khối lượng công việc lớn trong những ngày số ca tăng cao. Trong những ngày đầu, cả đội của mình thường làm từ chiều đến hơn nửa đêm.

Có những ngày làm việc trong thời gian dài mà không ăn hay uống nước do cần phải đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn, chân tay bủn rủn, người mệt nhoài như muốn đổ gục, mình chỉ muốn được nghỉ ngơi. Nhưng ý nghĩ ấy chỉ xuất hiện thoáng qua, nhìn thấy đồng đội vẫn đang tiếp tục cố gắng mình lại quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ của mình".

Minh cũng kể rằng, có những lúc anh cảm thấy kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Áp lực công việc, đối diện với những câu chuyện đau thương mùa dịch khiến những tình nguyện viên như anh ảnh hưởng về mặt cảm xúc, tâm lý. Sau tất cả, Minh tự động viên bản thân cố gắng thật nhiều, bởi nếu dịch bệnh kéo dài thì những hình ảnh đau lòng vẫn còn tái diễn.

Minh kể: "Trong lúc tham gia lấy mẫu tại địa phương, mình gặp một gia đình mà hai anh em vừa làm đám tang cha mất do covid, lại vừa phải lo chạy chữa cho mẹ. Hai anh em còn rất nhỏ, chỉ khoảng 15 -16 tuổi đã chịu một cú sốc tinh thần lớn như thế khiến người ta cảm thấy xót xa và rất thương.

Những mất mát mà đại dịch gây ra cho đến giờ đã không dùng câu từ gì diễn tả được hết. Bản thân mình đã tận mắt chứng kiến cảnh những người mẹ phải rời xa con nhỏ, những ca bệnh trở nặng hay cảnh người thân chia ly không kịp nhìn mặt nhau.

Có lẽ sự động viên lớn nhất với mình là khi thấy các nhân viên y tế luôn hết mình làm việc, lúc đó, tự thấy mình không thể nào đứng ngoài cuộc. Chính những điều đó là một phần động lực để mình tiếp tục những công việc đang làm".

Sau mỗi ngày làm việc, 3 anh em trở về nhà, cùng kể nhau nghe tình hình, câu chuyện ở điểm mình tham gia chống dịch. Nhìn thấy 3 đứa con cùng nâng cao quyết tâm, góp sức cho "cuộc chiến chung" nên bố mẹ Minh giấu nhẹm lo lắng để các con vững chí tiếp tục cống hiến.

(Theo Dantri)